Thụy Khuê Thư gửi các bạn Talawas
Paris ngày 16 tháng 12 năm 2001 Thân gửi các bạn, Lá thư này có chủ đích bổ xung một vài
vấn đề tôi đã nêu ra trong lời góp ý với Talawas lần trước,
về việc lựa chọn văn bản để dịch và giới
thiệu với người đọc Việt Nam.
1. Trước tiên, về việc chọn văn bản dịch, theo tôi nên chọn một văn bản gốc tức là văn bản do chính tác giả viết ra. Nếu ai đã bắt tay vào việc dịch, biết cái khổ cực của việc dịch thì sẽ thông cảm với ý kiến của tôi. Bởi vì những cuộc phỏng vấn, hay đối thoại, thường được một người khác ghi lại, không phải là bản gốc. Kinh nghiệm cụ thể cho biết: Khi tôi phỏng vấn học giả Hoàng Xuân Hãn và muốn ghi lại trung thành từng chữ buổi nói chuyện đó sau khi ông qua đời, là một việc không phải dễ. Mặc dầu tôi đã làm việc chung với học giả Tạ Trọng Hiệp, học trò của Hoàng Xuân Hãn, mà vẫn còn sai và có những chữ vẫn không đoán hết được. Mặt khác, kinh nghiệm bản thân và bạn hữu: khi chính mình được phỏng vấn hoặc được mời "nói chuyện" với báo này, báo kia, nhiều khi đọc lại bài "phỏng vấn" mình cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có sự chênh lệch giữa lời phát biểu (của mình) và bài in trên báo đến thế. Tôi có dự một buổi nói chuyện của nhà văn NHT với báo Le Monde (một tờ báo rất đứng đắn ở Pháp) và sau đó đọc bài "tường thuật", tôi thấy hình như một tờ báo đứng đắn nhất cũng không thể thật sự thủy chung với "bản gốc" (tức là lời NHT nói ra). Và mới đây, chị Phạm Thị Hoài cũng có những kinh nghiệm tương tự. Một người đi trước, nhà văn Alain Robbe Grillet, sau hơn 20 năm được mời đi diễn thuyết tại Châu Mỹ La tinh và dạy học về các tác phẩm của mình tại các đại học Hoa Kỳ, đã ghi lại những lời tâm sự đại ý như sau:
Công việc dịch thuật đôi khi cũng khó
khăn ngang công việc sáng tác. Và vì hiểu được những khó
nhọc của người dịch, và trân trọng người dịch, nên tôi
đã có những ý kiến về việc chọn văn bản gốc.
2. Kinh nghiệm về nước Trung Quốc. Tôi có dịp đi thăm một số những nước đã trải qua giai đoạn Cộng sản ở Âu châu, Việt Nam và Trung quốc, tôi nhận thấy rằng dường như Trung quốc là nước duy nhất không bị "tàn phá" nặng nề về mặt văn hóa như các nước khác. Mà trái lại, Trung quốc đã Hán hóa cộng sản, như trước đây họ đã Hán hóa đạo Phật, Hán hóa đạo Hồi, Hán hóa Mông Cổ, Hán hóa nhà Thanh, v.v... Tóm lại, những yếu tố ngoại lai, khi nhập cảng vào Trung quốc đều có khả năng bị Hán hóa. Ví dụ phần cốt yếu của triết học Karl Marx đã được Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Ðường "Hán hóa" từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt Lâm Ngữ Ðường trong Importance of Living (Sống Ðẹp) đã dùng duy vật biện chứng để "phê bình" những lạc thú ở đời một cách tinh vi và hóm hỉnh. Còn những thứ được gọi là chủ nghĩa Mác Xít do những ông Stalin, ông Mao ... xuyên tạc Karl Marx để tạo thành, thì cũng không có gì đáng nói, vả lại hình như những thứ đó cũng đã sắp đến hồi "tuyệt chủng". Ðấy là cảm tưởng của cá nhân tôi thôi. Có thể là sai lầm. Nhưng rõ ràng tôi không hề thấy "Triết học Trung quốc đã tuyệt chủng", bởi vì nếu vào thư viện Khổng Tử ở Trường An thì thấy các sách thánh hiền, từ Tứ thư Ngũ kinh đến Kinh Thi, Kinh Dịch v.v... đều được ghi trên đá, sách bằng đá, khắc từ thời Tống Huy Tông nay vẫn toàn vẹn. Dạo chơi trên Tây Hồ ở Hàng Châu thì thấy thơ Tô Ðông Pha cũng tạc đá trên đê Tô Ðông Pha. Và Cấm Thành, vườn thượng uyển của Từ Hy, ở Bắc kinh vẫn nguyên vẹn. Hỏi người guide tại sao sau mười năm cách mạng văn hóa mà Hoàng Thành vẫn không suy suyển gì, thì guide trả lời: Quân đội canh gác toàn bộ cung điện nhà vua, không cho ai vào phá phách. Ðến động Long Môn (ở Lạc Dương), thấy tượng Võ Tắc Thiên (mặt Phật) vẫn còn sừng sững bên cạnh gần nghìn tượng Phật khác. Về Thiệu Hưng thăm nhà Lỗ Tấn, giường chiếu, án thư vẫn còn nguyên vẹn như khi nhà văn còn sống và ngoại ô Thiệu Hưng, trên núi, mộ Ðại Vũ Trị Thủy vẫn trơ trơ như chưa từng biết bao nhiêu thiên niên kỷ đã trôi qua. Những ví dụ như vậy kể ra không hết. Tôi đã đi qua những nước có nền văn minh cổ đại như Ai cập, Hy Lạp, nhưng chưa thấy nơi đâu có những "hiện tượng" như vậy. Và do đó tôi nghĩ rằng người Hán có khả năng Hán hóa tất cả những gì rồ dại nhất của loài người để bảo vệ truyền thống văn hóa của mình. Và ngày nay nếu văn minh Tây phương muốn vào, muốn sống và tồn tại ở đất Trung quốc, thì chắc nó cũng phải chịu số kiếp Hán hóa như đạo Phật, đạo Hồi và Cộng sản. Ngay cả đến tác
phẩm Linh Sơn của Cao Hành Kiện. Phần hay nhất của
ông vẫn là phần tâm hồn và ý thức Trung quốc, còn những
đoạn ông muốn "làm mới" theo kiểu Kịch phi lý của Ionesco
hay Beckett, người đọc thấy sượng, vì ông không có cái
humour, tính chất triệt để và thẳng cánh của người Tây
phương.
Tôi không hề có ý chống việc đọc hoặc thực hiện các bài phỏng vấn, hội thảo. Bởi bản thân tôi làm việc phỏng vấn và đôi khi cũng bị phỏng vấn. Nhưng theo tôi, đấy là những văn bản để đọc, để nghe. Và nếu lựa chọn một văn bản để dịch, vì tôi hiểu công khó của anh Trương Hồng Quang, nên tôi nghĩ nếu chúng ta chọn một văn bản gốc mà nhà văn đã để hết tâm huyết, mang hết tinh hoa của mình vào, thì chính dịch giả cũng tìm thấy thú vị và độc giả lĩnh hội được nhiều điều bổ ích hơn. Thụy Khuê
© Copyright Thuy Khue 2001
|