Hồ
Hữu Tường (1910-1980)
Hồi ký và tiểu thuyết
Tiểu thuyết là thể loại sáng tác phong phú nhất của Hồ Hữu Tường, có thể
chia làm hai loại: xã hội và trào phúng.
- Khuynh hướng xã hội (đấu tranh) có những bộ Gái nước Nam làm gì?, gồm
2 quyển: Thu Hương và Chị Tập (Nxb Sống Chung, 1949), Thuốc
trường sanh, 3 cuốn: Xây mộng, Phúc đức và Vẹn nguyền (Huệ
Minh, 1964); Hồn bướm mơ hoa, 4 cuốn: Mai Thoại Dung , Ông thầy Quảng,
Tam nhơn đồng hành và Bủa lưới người (Nam Cường, 1966) và những tác
phẩm khác như Kế thế , tiểu thuyết dã sử, (Huệ Minh, 1964), Người Mỹ
ưu tư (tác giả xuất bản tại Pháp, 1968) viết về bối cảnh và thân phận
những đứa con lai Mỹ-Việt.
- Khuynh hướng trào phúng có bộ Ngàn năm một thuở hay Một thuở ngàn
năm, gồm 4 quyển đã in Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi
Lạc náo Hoa Kỳ (Vanay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam
Cường, 1966) Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966).
Tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông tự truyện (An Tiêm, 1966)
và cuốn hồi ký Bốn mươi mốt năm làm báo (Trí Đăng, Saì Gòn ; Đông Nam
Á, Paris, 1984). Ngoài ra còn một cuốn hồi ký tiếng Pháp, Un fetu de paille
dans la tourmente (Cọng rơm dập vùi), viết tại Paris năm 1969, chưa in.
Hồ Hữu Tường là một trong những nhà văn có cách viết tự thuật và hồi ký vô
cùng duyên dáng, hóm hỉnh, mà lại phản ảnh được cuộc đơì thăng trầm đầy sôi động
của một người làm cách mạng bằng ngòi bút. Nhờ hai cuốn Thằng Thuộc con
nhà nông và Bốn mươi mốt năm làm báo mà người đọc không
những có thể biết rõ tiểu sử, tâm sự, con đường đấu tranh và xuất xứ mỗi tác
phẩm của Hồ Hữu Tường, mà còn thấy được chân dung và tâm tình của những nhà ái
quốc khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu trong bối cảnh hoạt động
của họ, liên hệ đấu tranh, tư tưởng, tương quan lực lượng giữa những cá nhân
hay đoàn thể đã hoạt động cùng thời với họ.
Với Thằng Thuộc con nhà nông, Hồ Hữu Tường vừa muốn xác nhận
nguồn gốc nông dân , vừa muốn bác bỏ tính duy vật mà chủ nghĩa Mác Lê gán ghép
cho họ: Hồ đề cao tính duy linh trong tâm hồn Việt như một cá tính độc đáo
không thể loại trừ: tin tướng số, qủy thần, sấm trạng, điềm, vận Hồ
không hề đứng ở địa vị nhà khoa học để phán xét nhân dân, ông luôn luôn đứng
về phía quần chúng bình dân để nhìn đời. Toàn bộ triết lý sống của Hồ Hữu Tường
dường như nằm trong mấu chốt đó, ông sống và viết như một nông dân chính hiệu.
Muốn được như vậy, trước tiên, ông phải «là» nông dân (mặc dù có học).
Hồ đã thành công trong sự «là» ấy. Từ lúc chưa ra đời, Hồ đã là «nông
dân» trong lòng mẹ: sinh trong điềm và sấm. Hồ tự «khai sinh» cho mình
trong lòng dân tộc, từ dân tộc tính Việt Nam.
Họ Hồ thật, gốc nông dân thật, ở Hồ không có dấu vết giả dối nào, từ nguồn gốc
đến danh hiệu, có lẽ để đối chiếu với một sự giả mạo họ tên khác của người
cùng thời trong lịch sử.
Gia đình họ Hồ, khi Tây Sơn thua, chạy đến miệt Cái Răng là đã kiệt quệlắm. Hồ
Hữu Tường thuật lại rằng: «Tía tôi, Hồ Văn Sây, lớn
lên trong cảnh nghèo nàn, thất học từ nhỏ, ông được cả làng chú ý vì tánh tình
ngay thẳng, cương trực, hiền lành» (Thằng Thuộc con nhà nông,
trang 14-15). Mẹ Hồ Hữu Tường, bà Võ Thị Nữ, tuy con nhà giàu nhưng mồ côi cha
năm mười hai tuổi, mẹ tái giá để con lại cho bà cô (giàu) nuôi; cô gả Nữ cho
Sây (người làm công) vì muốn cháu gái có chồng họ Hồ, «họ của ba vua» ( Quý Ly,
Thái Đức, Quang Trung).
Ngoài cha mẹ, Hồ Hữu Tường còn nhắc đến một nhân vật khác, khá huyền bí là
Thầy Quảng (gọi là Thầy Quảng vì có giọng nói Quảng Nam). Thầy Quảng, người đỡ
đầu, vừa là thầy bói, vừa là đạo sư, và là đảng trưởng đảng Bửu Sơn Kỳ Hương,
đã ảnh hưởng sâu xa đến cha con Hồ Hữu Tường. Khi Hồ ra đời, Thầy Quảng bói
một quẻ: «Năm Canh Tuất, tháng ba, ngày hai mươi chín,
giờ dần thì tốt lắm, mà cũng xấu lắm. (Nếu) Không có «Tuần» và «Triệt» thì số
này là số Đế vương» (trang 24). Rồi Thầy Quảng đặt tên: «... đặt tên cho nó là Hồ Hữu Tường, nghĩa là họ Hồ
có điềm lành. Nó có «văn xương», «văn khúc» thì ắt không phải là nông dân như
ông cha. Ít nữa cũng là một văn sĩ. [...] Vậy tôi đặt cho nó cái tự là Khổng
Cưu, ứng vào câu «khổng cưu đắc hữu tường». Khổng là to, cưu là bói, Khổng Cưu
Đắc Hữu Tường là bói một cái bói to mà được điềm lành» (trang 26).
Thầy Quảng còn đặt tên hiệu là Bửu Liên (vì hôm sanh Tường, tía nằm mộng thấy
có người đem tặng một đóa sen quý). Tất cả những «điềm», «số» và «sao» như vậy
đã «vận» vào Tường từ lúc ra đời: Tường mang «mệnh đế vương», chào đời với «sứ
mạng hưng vượng dòng họ», «tân tạo quốc gia», «giải phóng dân tộc». Rủi thay,
cái tên chữ «Hữu Tường» đang gánh những kỳ vọng «hay ho» như vậy, lại bị kỵ
húy đúng tên ông dượng ghẻ (chồng thứ nhì của bà ngoại), Hữu Tường bèn bị tía
đổi tên là thằng Thuộc cho gọn, bởi nó đọc đâu thuộc đấy !
Đó là thủ pháp «kể chuyện» của Hồ Hữu Tường: đem xuất xứ dòng họ đặt lên đỉnh,
có lẽ muốn giải thích thái độ cao ngạo của mình, rồi đùng một cái, lật ngược đỉnh
xuống đáy bằng chính «nội dung» lời kể: Thằng Thuộc lật nhào Hữu Tường, chữ
nôm đánh đổ chữ Hán, nguồn gốc nông dân đánh đổ nguồn gốc đế vương Nghệ thuật
ở đây là hạ bệ. Sự hạ bệ này còn có nhiều lối hành ngôn khác không kém phần
thâm thúy, cao ngạo và hóm hỉnh: ví dụ về cuộc gặp gỡ chính trị với nhân vật
đệ tam là Tôn Quang Phiệt. Sau khi gặp Hồ Hữu Tường và Tạ Thu Thâu,Tôn Quang
Phiệt kể lại với Đào Duy Anh rằng: «Hai đứa nó là kỳ
tài phải lắm. Tạ Thu Thâu tướng con vượn. Hồ Hữu Tường tướng con khỉ đột. Con
vượn yểu tướng, e Tạ Thu Thâu chết sớm. Con khỉ đột sống dai hơn. Đào Duy Anh
thuật lại lời ấy rồi, thì vài tháng sau, tôi nghe Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng
Ngãi» (sđd, trang 45). Ở đây ông đặt hai cặp phạm trù đối cực: kỳ
tài-khỉ vượn, chuyện tếu-bị giết, trong một câu, khiến hai «đối cực» ấy tự
triệt tiêu nhau, một cách tương đối hóa, hài hước hóa những chuyện không hài
hước (ám sát, thủ tiêu). Hồ Hữu Tường tạo cho cuộc đời một chiều kích mới: tất
cả đều có thể nhìn dưới con mắt khoan dung, độ lượng, nếu ta coi sống, chết,
như những cuộc chơi, mà sự « mất», «còn», đáng cười hơn đáng khóc. Chỉ với
nhân sinh quan như thế, Hồ Hữu Tường mới có thể sống còn trong những cuộc
thanh trừng, các trại tù mà Côn Lôn khét tiếng là mồ chôn người yêu nước.
Hồi ký Bốn mươi mốt năm làm báo, viết vào khoảng năm 1971, do
Trí Đăng xuất bản tại Sài Gòn, và Đông Nam Á in lại ở Paris năm 1984, là một
tác phẩm giá trị về hai mặt tư liệu lịch sử và nghệ thuật viết hồi ký. Đây là
một thiên phóng sự đầy tính phóng túng và hài hước về suốt giai đoạn từ 1930
đến 1971, trong cuộc đời hoạt động cách mạng và làm báo của Hồ Hữu Tường cùng
với những nhà cách mạng khác, các bậc đàn anh như Phan Văn Trường, Nguyễn An
Ninh, Nguyễn Thế Truyền hoặc những bạn đồng hành như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm,
v.v... một thế hệ thông minh xuất chúng, coi ngục tù, cái chết như không, loại
những bi thảm bằng tiếng cười, và trên tất cả là lý tưởng giải phóng quê hương
và niềm tự hào dân tộc.
Với nghệ thuật kể pha trộn cả bi lẫn hài, giao thoa ký ức và tư liệu lịch sử,
Hồ Hữu Tường đã vẽ được những chân dung cực kỳ sống động của Nguyễn Thế Truyền,
Phan văn Trường, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trịnh Hưng Ngẫu, Phan Văn Hùm.với
những giai thoại lý thú như: nguồn gốc cái tên Nguyễn Ái Quốc, làm báo» nhẩm»
Thiên Thu, mối tình Bruxelles, Nguyễn An Ninh bán dầu cù là, Phan văn Hùm dậy
Hồ Hữu Tường viết văn Việt.
Tiêu biểu cho tác phong hài hước hoá những chuyện nghiêm chỉnh, có thể kể màn
Nguyễn An Ninh dạy thanh niên phân biệt đệ tam với đệ tứ:
«- Mấy em còn nhỏ, chưa biết vợ con. Thế nào ra đời
rồi cũng phải cưới vợ. Vậy để qua dậy cho em học làm chồng có lẽ có ích lợi
hơn là học làm cách mạng với mấy anh đó, nói cái gì mà mấy em không hiểu. Đây
qua hỏi các em vậy chớ l.. có mấy lỗ? Đừng có cười chớ!ù Các em làng chàng,
không học bài căn bản nầy, rủi làm bậy vợ nó chết thì làm sao?
Mấy cậu thanh niên ngơ ngác nhìn nhau, thì Ninh dạy:
- L... có ba lỗ, một cái lỗ để đái, một lỗ để đẻ và một lỗ để đ
các em phải
thuộc cái đó bằng không thì không được đa!
Bọn trẻ cười lăn, nhưng cũng nghe Ninh kết luận:
-Ừ thì Đệ tam một lỗ, Đệ tứ một lỗ, và con đường dân tộc cũng một lỗ. Các em
làng chàng đi sai đường, thì không khác nào cưới vợ mà đ... sai lỗ vậy(...)
-Ừ thì các em cứ cười cho đã đi, rồi nghe qua nói một câu nầy. Tất cả con trai
cưới vợ, nào để nhìn nó đái ? Nhà nghèo, thêm sợ nó đẻ. Chỉ muốn cưới vợ vì
cái chuyện vợ chồng mà thôi. Thì Đệ tam hay Đệ tứ gì thì cũng ví như đái và
đẻ. Chớ toàn dân thảy đều muốn cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng dân tộc mình
khỏi gông cùm ngoại bang. Có phải vậy không?» (Hồi Ký, trang
99-100)
Lối tái tạo chân dung Nguyễn An Ninh trên đây đã làm sáng tỏ một lúc hai nhân
cách: Một Nguyễn An Ninh hóm hỉnh tuyệt vời, đi vào lòng quần chúng qua ngả tư
biện hài hước, dùng thực chứng để giải thích những lý thuyết khô khan về chính
trị, dùng tục để đáp với thanh. Một Hồ Hữu Tường xuất sắc trong nghệ thuật:
không «tả» Ninh mà «kể» Ninh, nhưng sự «kể» của ông cũng là «tả»: ông đồng hóa
nghệ thuật kể và tả. Từ lời nói hóm hỉnh của Nguyễn An Ninh toát ra lòng yêu
nước của người anh hùng, nhưng nét đặc biệt ở người anh hùng này, Ninh là «người»
trước và «hùng» sau, hoặc ít ra «người» đi đôi với «hùng», khác những thần tượng
thường được suy tôn: chỉ có «hùng» hết là «người» .
Nguyễn An Ninh, qua lời kể của Hồ Hữu Tường là một nhân vật anh hùng phản anh
hùng, pha trò, nói tục, cám dỗ thanh niên bằng tâm hồn trào phúng, bằng biện
chứng phản biện chứng, bằng ngôn ngữ gợi hình độc đáo, ý nhị. Cái tục ở Nguyễn
An Ninh-Hồ Hữu Tường là tục đắc địa, tục của những người có bản lãnh, tục mà
vẫn giữ được đạo theo nghĩa Bồ Đề Đạt Ma: siêu tục, siêu tục dẫn đến những nụ
cười Xuân Hương, Duy Tốn rất thế tục, khác hẳn với cái dung tục tầm thường,
không nghệ thuật, tục để mà tục, ít khi phản ảnh một thực tại sống thật nào.
Trào phúng đối với Hồ Hữu Tường trở thành một liều «thuốc trường sanh», chữa
bách bệnh, là dưỡng khí nuôisống người tù. Ký ức tù của ông khác với nhiều người,
không chứa khổ đau, không gây căm phẫn, hờn oán. Dường như , những điều ấy
không có gì đáng nói, đáng kể; điều đáng ghi lại là những trầm tư của một «tên
tội tư ûhình», nghĩ về tương lai dân tộc hoặc những giây phút hạnh phúc của đời
tù: kể chuyện Tàu, làm báo nhẩm, sự «bột phát» của tác phẩm nhẩm: Phi Lạc hoài
thai từ nền văn chương nhẩm với những tiểu thuyết đã «có màu Tự Lực Văn Đoàn
lắm».
Tất cả những hình thức sáng tác nhẩm này, là để chữa căn bệnh biệt giam «bị nhốt với người khác còn trò truyện mà trí khuây
khoả (...) Chớ bị nhốt một mình, thì mình luôn luôn nói chuyện với mình, mệt
trí không tưởng tượng nổi. Có khi câu chuyện mình nói với mình khuya rồi mà chưa
dứt, thì tiếp tục nói hoài, sanh ra bịnh mất ngủ. Mà hễ mất ngủ luôn, thì dễ
sang qua điên». (Hồi Ký, trang 54).
Toàn bộ tập hồi ký là một giọng coi thường cái chết, tương đối hóa khổ đau,
hài hước hoá những trầm trọng, bi kịch; coi tất cả chỉ là đùa chơi, không có
gì quan trọng. Từ những kinh điển, những «tư tưởng lớn», đến những lý tưởng,
lập thuyết, cái gì cũng có mặt trái của nó. Hồ Hữu Tường vạch mặt trái của tất
cả kể cả chính mình, vì vậy mà ông chiếm được lòng tin của độc giả qua những điều
tự thuật,ø rất có thể «có chỗ bịa» nhưng bịa y như thật, điều mà ông không mấy
thành công trong địa hạt tiểu thuyết xã hội.
Tiểu thuyết của Hồ Hữu Tường thường dài dòng và hay giải thích, phần tâm lý
nhiều khi sơ sài, giả tạo, nhưng ông có óc hiện thực xã hội, óc tưởng tượng và
óc trào phúng rất cao.
Ở loại xã hội, Hồ Hữu Tường dùng tiểu thuyết như một phương tiện tuyên
truyền, xác định lập trường yêu nước; ở loại trào phúng, tiểu thuyết của ông
phủ định tất cả: chế giễu chính trị, phê phán xã hội, đả phá những "trịnh
trọng" của lập thuyết, coi tất cả là chuyện tiếu lâm, hài hước, tán dóc, tán
nhảm. Hai khuynh hướng này đối lập nhau, tiêu biểu hai nét tương phản trong
con người Hồ Hữu Tường: Có một Hồ Hữu Tường nghiêm chỉnh, ưa lập thuyết và một
Hồ Phi Lạc trào lộng, đánh đổ tất cả những gì có tính cách lý trí, biện luận.
Hai cuốn tiểu thuyết xã hội đấu tranh đầu tiên của ông là Thu Hương
và Chị Tập.
Chị Tập và Thu Hương, viết năm 1949, trong bộ
Gái nước Nam làm gì? là kết quả của một thử nghiệm "tiểu thuyết mới"
mà ông cho biết là đã bàn bạc với Khái Hưng ở Hà Nội năm 1945, và trao đổi
thêm với Đông Hồ ở Sài Gòn. Chị Tập và Thu Hương
tiêu biểu cho hai từng lớp đấu tranh trong giai đoạn đầu cách mạng. Tập xuất
thân từ quần chúng lao động, Thu Hương trí thức, tiểu tư sản, thành thị. Thu
Hương được mô tả qua hình ảnh cô Cúc, sau này là nha sĩ, kiêm điêu khắc gia Điềm
Phùng Thị, mà thời ấy, tác giả có quan hệ tình cảm. Ông viết Thu Hương
theo lời "yêu cầu" của "người đẹp" và lại ký bút hiệu Duy Cúc. Thu Hương trong
truyện là sinh viên trường thuốc Hà Nội, đảng viên một đảng cách mệnh bí mật,
một cô gái đẹp và gan dạ, dám cướp sân khấu để tuyên truyền, dám ám sát giữa
thành phố, ... Chị Tập, con nhà nghèo, bị cha mẹ đem bán, trải bao khổ đau, tù
tội, sống chung với trộm cướp và những ngươì làm cách mạng. Được thả, Tập trở
thành đảng viên đắc lực, nhận những công tác nguy hiểm, cổ động tuyên truyền,
đình công bãi thị, buôn lậu, làm thổ phỉ, cướp khí giới Nhật, xây dựng chiến
khu ... Hai phụ nữ, hai giai cấp, hai trình độ, gặp nhau trong kháng chiến,
tạo ra những mẫu người lý tưởng, huyền thoại mà thời đó rất cần.
Viết Thu Hương, Chị Tập, Hồ Hữu Tường đã dùng tiểu thuyết để
tuyên truyền cho lý tưởng cách mạng, ông đặt vấn đề làm sao kết hợp các thành
phần xã hội khác nhau, các đảng phái khác nhau? Làm sao đánh động lòng yêu nước?
Làm sao củng cố lực lượng du kích? Làm sao khắc phục những khuyết điểm để đi
đến thành công? Đó là thời kỳ Hồ Hữu Tường còn trẻ, còn tin vào sứ điệp cách
mạng.
Trong thời kỳ ở Côn Đảo lần thứ nhì, ông viết hai bộ trường thiên khác, nói
lên sự chán nảm của mình trước các trường tranh đấu. Bộ Thuốc trường
sanh in năm 1964, lấy bối cảnh kháng chiến Nam Bộ những năm 50-52.
Nhân vật chính là Tuyết Lê và bác sĩ Tâm, những người trí thức không cộng sản,
từ thành vào bưng, theo kháng chiến. Họ có nhiệm vụ phải tìm cho ra một thứ "thuốc
trường sanh", như một phát minh khoa học tân kỳ, đem uy tín cho cách mạng.
Muốn bào chế thuốc trường sanh, thì phải lấy được chân con cọp Mun, nổi tiếng
chúa tể vùng Hậu Giang. Cuối cùng, Tuyết Lê và Tâm hạ được cọp, nhưng cũng lại
sa vào nanh vuốt của cọp.
Thuốc trường sanh nói lên sự mất mát niềm tin, nói đến sự cô đơn
tập thể, những chán nản hầu như tuyệt vọng về những nẻo đường kết hợp dân tộc.
Tất cả chỉ là nghi ngờ và thủ đoạn, là cô đơn và chia rẽ. Thuốc trường
sanh là tâm sự của những người "ngoại đạo", muốn nhập vào dòng chính
thống cách mạng, nhưng không thể được. Kết quả là phải đào thải, chia lìa.
Tập Hồn bướm mơ hoa cũng là một trường thiên tiểu thuyết phiêu
lưu, tranh đấu, có tính chất "ngự lâm pháo thủ", viết về những người thân quyến
hoặc còn lưu luyến nhà Tây Sơn, lưu lạc vào Nam, quyết dựng nên tổ chức Bửu
Sơn Kỳ Hương, chống Nguyễn, nhưng việc không thành. Hồn bướm mơ hoa có những
trang rất hay về đời sống sông lạch miền Hậu Giang, cảnh tù vượt Côn Đảo, tâm
trạng của con người trong "xã hội Nam Kỳ" theo đuổi ngấm ngầm lý tưởng, hoài
bão "tự trị", nhưng chưa thực hiện được. Hồn bướm mơ hoa ấp ủ
giấc "mơ hoa" của "cánh bướm" Hữu Tường: muốn chọn con đường thứ ba cho đất nước,
nhưng không ai theo, không ai tin, tất cả chỉ là thất bại.
Tiếc rằng phần lớn truyện dài của Hồ Hữu Tường đều dựa trên những cốt truyện
quá "tiểu thuyết", những nhân vật quá giả tạo, bởi ông luôn luôn muốn thổi
phồng người đàn bà. Không kể Ngọc Mân trong tiểu thuyết dã sử Kế thế,
thuần tính huyền thoại, từ Thu Hương, chị Tập đến Tuyết Lê, Mai Thoại Dung,Lệ
Dung-Mỹ Dung trong Hồn bướm mơ hoa hay Loan, Phượng trong
Người Mỹ ưu tư... đều là những mẫu người khó tìm thấy trong cuộc sống,
vì họ giỏi quá hoặc cao thượng quá. Họ không thật. Ngoài ra, những cảnh huống
mà Hồ đẩy nhân vật vào, thường gượng ép. Ví dụ Tuyết Lê và bác sĩ Tâm tìm cách
"sáng chế" thuốc "trường sanh" trong bưng biền. Ai tin được? Rồi hai người lại
tựï sống chung như một cặp vợ chồng "giả". Việc Mai Thoại Dung đem tất cả gia
sản của mình cúng cho thầy Quảng (anh hùng phái nam, hiếm hoi trong truyện của
Hồ Hữu Tường) để xây dựng đảng Bảo Hương Kỳ Sơn, bỏ con, bỏ cái theo "lý tưởng".
Rồi cặp bài trùng "Lệ Dung-Mỹ Dung" cũng là những tay «quái kiệt» ; Lệ Dung
vừa đẹp, vừa thông minh, mưu lược (cỡ Tuyết Lê), Mỹ Dung võ nghệ cao cường,
tâm hồn tuyệt vời cao cả, "gả" chồng mình cho Lệ Dung vì "đại sự". Những chi
tiết này làm giảm sút giá trị bộ Hồn bướm mơ hoa, có lẽ là hay nhất trong loạt
tiểu thuyết xã hội phiêu lưu của Hồ Hữu Tường, vừa có những tình tiết ly kỳ,
hấp dẫn kiểu Dumas, vừa vạch ra được những nét đạo đức vàlý tưởng Bửu Sơn Kỳ
Hương của người Nam Bộ.
Cuốn Người Mỹ ưu tư viết tay, tác giả tự xuất bản tại Paris năm
1968. Khởi đầu in hàng ngày trên nhật báo Sống, theo Hồ Hữu Tường cho biết ở
trang đầu, thì bác sĩ Trần Ngươn Phiêu đã kêu gọi được gần mười ngàn người ký
tên đề cử Người Mỹ ưu tư tranh giải thưởng Nobel. Người Mỹ ưu tư muốn đưa ra
một vấn đề thời sự xã hội rất thương tâm : vấn đề con lai Mỹ-Việt và đòi hỏi
một sự công bằng trong lương tâm tòa án. Để "thay lời tựa", Hồ Hữu Tường viết
năm lá thư gửi văn hào J. Steinbeck , những bức thư này nhắc nhở tác giả
Chùm nho uất hận đến thực tại phũ phàng của những đứa con lai
Mỹ-Việt, đặt câu hỏi với lương tâm của một người đã từng cảm thông nỗibất hạnh
của những kẻ bị áp bức, khốn cùng. Ngày hôm nay, trong lương tâm ấy còn sót
lại giọt nước mắt nào cho những người đàn bà lỡ làng bụng mang dạ chửa đứa con
lai:
"Ông cỡi phản lực mà đi vào chiến trường [...] Nhưng
tôi cũng tin rằng ông không làm sao vào những xóm tồi tàn nhà lụp xụp làm bằng
các hộp bỏ mà nghe những câu chuyện thương tâm của những bà mẹ bóp mũi con chết,
chỉ vì hài nhi có mắt đục, tóc hoe và không cha." (trang 42-43)
Tiếc rằng cuốn Người Mỹ ưu tư tiếp đó lại rơi vào hướng khác. Hướng
của một truyện dài trinh thám với những chi tiết éo le, những nhân vật chính đều
có những hành tung ly kỳ và nhất là Loan Phượng có những nét «phi phàm», khó
chiếm được lòng tin của độc giả.
Sở trường của Hồ Hữu Tường là tiểu thuyết trào phúng. Phi Lạc là một trong
những nhân vật nổi tiếng của tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX. Chính Hồ Phi Lạc
đã làm "thành danh" Hồ Hữu Tường. Bộ Ngàn năm một thuở gồm 4
cuốn đã in, nhưng chỉ cuốn đầu, Phi Lạc sang Tàu là thành công
hơn cả. Những cuốn sau, viết vội, viết nhiều, đâm nhàm, làm giảm giá trị toàn
bộ.
Là một thứ Ngộ Không made in Việt Nam "thời mơi", Phi Lạc làm nổi bật những
nét "đặc thù" trong "dân tộc tính" Việt Nam: dốt nát, khoác lác, thấy người
sang bắc quàng làm họ, tự cao tự đại nhưng lại ranh vặt và ưa nịnh hót ...
Những nét "đặc thù" này, không chỉ nằm trong "bản chất" Phi Lạc mà dường như
chúng là "nội dung tư tưởng" của toàn thể nhân quần xã hội: từ thằng mõ đến
ông tiên chỉ, từ ông tiên chỉ đến các vị bác học, anh hùng, đời trước, đời này,
thảy đều rất tuồng,rất rỗng, khôi hài và bi đát.
Bi hài kịch của Phi Lạc bắt đầu từ ... nguồn cội: Nó vốn là thằng mõ làng Phù
Ninh, vô học, nhưng trót giả danh dòng dõi họ Hồ, có bà con với Hồ Thơm Nguyễn
Huệ. Sự phét lác của nó đến tai thằng mõ Cổ Nhuế, một tên bịp bợm khác. Nhân
muốn trả thù mõ Phù Ninh, Cổ Nhuế bèn "bán đứt" Phù Ninh cho sư Hồng Hạc, một
vị chân tu người Tàu, được sứ mệnh xuôi Nam, tìm đến "thảo lư" rước Khổng Minh
hiện đại về làm thánh sư, với nhiệm vụ phò Minh đuổi Thanh, phục quốc. Câu
chuyện đưa ta vào một thế đồ bát quái, một thứ tiểu thuyết chiêu hồi lối Tàu,
mà chống Tàu, trong đó tất cả những địa danh, tên người như Phù Ninh, Cổ Nhuế,
Hồ Thơm, Hồ Thích, Phi Phúc, Phi Lạc ... đều có những ẩn nghĩa trào phúng, dây
mơ rễ má với nhau, đều có thể đảo lộn trật tự chính-tà, thật-giả, nhanh như
chớp.
Tại sao sư Hồng Hạc lại có sứ mệnh đi Nam tìm thánh? Ấy bởi bốn câu sấm đồ rằng
của Minh Thành Tổ. Tại sao tìm đến mõ Phù Ninh? Bởi làng Phù Ninh (quê Ngọc
Hân) ắt hẳn phải "sản xuất" ra con cháu ... Hồ Thơm. Tại sao Hồng Hạc lại tin
lời mõ Cổ Nhuế? ( làng Cổ Nhuế vừa nổiá ù tiếng buôn phân vừa ø chuyên sản xuất
nhân tài, Cổ Nhuế xứng danh với Hồ Thơm) vì Hồng Hạc "tham khảo" ý kiến cụ Bác
Cổ Viễn Đông Nguyễn Văn Tố và chính cụ Tố "giới thiệu" mõ Cổ Nhuế cho Hồng Hạc
như một sư phụ chuyên trị "cái biết" mà chẳng cần dựa vào "sách nào, trang
mấy, tờ a hay tờ b, dòng thứ mấy"...
Tất cả những vòng vo rất tam quốc này, nói lên tính chất lằng nhằng, bòng bong
của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng bộc lộ tính hú họa, mà người ta thường gọi
là "ngẫu nhiên" của cuộc đời: Sai một ly, đi một dặm. Một sự nói láo có thể
dẫn đến hậu quả hy mã lạp sơn hay tai ương chín tầng địa ngục. Nhất là khi
những cái "hú họa" ấy lại được các vị bác học kim cổ như Hồ Thích đem ra phân
tích và cho nó một "chứng từ" (trường hợp cái tên Hồ Phi Lạc) thì phải biết là
uyên bác.
Phi Lạc sang Tàu là một tác phẩm phản kháng toàn diện. Một sự
nổi loạn chống lại tất cả các hình thức từ chương, khuôn mẫu bào chế tư tưởng,
chế nhạo những sự "mượn nhầm họ" mà họ Hồ là "nạn nhân" thời đại. Sự phản
kháng của Phi Lạc có nguồn gốc sâu xa từ tự ái dân tộc, từ tình yêu dân tộc,
nằm trong máu-óc Hồ Hữu Tường. Ông dùng một nhân vật cùng đinh, cùng khổ: thằng
mõ (Cổ Nhuế hay Phù Ninh), cho nó làm đảo lộn trật tự tiên chỉ, làng xã; nó được
thỉnh sang Tàu, sang Mỹ, sang Nga, như một cố vấn, một vị phu tử; nó làm "khuynh
đảo" những "nền văn minh vĩ đại" bằng sự ... tán dóc, nói láo. Sự đại náo của
Phi Lạc, cũng như sự đại náo của Ngộ Không, tiêu biểu cho cuộc cách mạng thường
trực của tư tưởng: luôn luôn phải đặt lại vấn đề, chống lại những trật tự có
sẵn của những bậc thánh hiền hoặc giả hiền.
Trong Phi Lạc sang Tàu, Hồ Hữu Tường tấn công vào vạn lý trường
thành của một ngàn năm đô hộ: Người Việt đã trở thành một thứ con nuôi của nhà
Hán, sách vở "mở ra thì nếu không phải là "Tử viết"
thì cũng là một anh ba Tàu nào đó viết, chớ không có ai trích lục tư tưởng của
một người Việt nào đó để mà viết."
Đối với Hồ Hữu Tường, sự thần phục người Tầu trên hơn hai ngàn năm, phát xuất
trên núi từ Không Tử, Mạnh Tử, rồi hạ san xuống đến Mao, hậu Mao ... như một
feuilleton hồi đoạn, một sự xuống dốc ăn theo độ trượt không phanh của nước
Tàu.
Để chống lại sự leo thang xuống dốc ấy, Phi Lạc như một con rối, đứng ngã ba
đường, huơ tay, huơ chân, đáng trống, khua chuông, hú hồn những nhà tư tưởng
Việt Nam như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, như Đức Phật Thày Tân An, như Cống
Quỳnh ... về nhập thế. Họ nhập vào Phi Lạc, nói ra những điều "minh triết"
trong tư tưởng Việt.
Hình thức truyện nhại Tây Du, có chia hồi như Tam Quốc Chí. Cuộc Tàu du của
Phi Lạc gần giống như cuộc Tây Du của Ngộ Không và Hồng Hạc là hiện thân của
Đường Tam Tạng. Tại sao lại đi Nam? Vì "xét ra không
đâu mà Phật giáo được thịnh hành như ở cõi đất Nam này."
Hồng Hạc, muốn phiêu du, bèn vào trong một cái niêu để nhập thiền. Đang phiêu
phiêu thì thấy một đứa trẻ ngâm mấy câu thơ, làm người giật mình tỉnh dậy, té
ra là nó đang đọc Sấm Trạng Trình ... Người bèn theo hướng sấm dẫn dắt mà đi
ra khỏi Sài Gòn, đến Đa Kao gặp Cầu Bông, qua cầu tới một nơi khói hương nghi
ngút. Hỏi ra là đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Tả quân thương tình, gọi sư Hồng
Hạc ra mà giới thiệu với nhà khảo cứu nổi tiếng nhất nước Nam là Ứng Hòe
Nguyễn Văn Tố, và chính nhờ sự bác học của cụ Tố mà sư Hồng Hạc tìm được thánh
nhân Hồ Phi Lạc, đưa về Tàu tôn lên làm cố vấn.
Hồ Hữu Tường đã thay Huyền Trang bằng Hồng Hạc, Ngộ Không bằng Phi Lạc và Tây
Trúc bằng làng Phù Ninh. Một sự Việt hóa điển tích và chếø biến kinh điển
thành chuyện tiếu lâm hài hước, trong một thế giới mà Tả quân Lê Văn Duyệt đối
thoại với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố mà thằng mõ Cổ Nhuế, Phù Ninh, trò truyện
chính chị, triết lý, văn chương với Khổng Minh, Hồ Thích. Phi Lạc sang Tàu quảng
bá cho đảng Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nó một ý nghĩa lịch sử chính trị trong sự chế
giễu xã hội và các biện chứng của lý trí: đưa Điềm và Sấm ra như
một ý thức dân tộc (duy linh) chống lại cái duy vật vô thần.
Phi Lạc sang Tàu còn là tiếng cười cay đắng
của người dân nhược tiểu, biết mình kém thua đủ đường nhưng vẫn muốn nổi loạn,
tìm chỗ đứng cao nhất trong lòng một cộng đồng nhân loại mà phi lý và
bất công phủ trùm lên tất cả. Đây là một sự phản kháng toàn diện của những người
thấp cổ bé miệng, của những trí thông minh xuất chúng, không tháo gỡ được thân
phận mình ra khỏisự gò ép của những cơ chế cứng nhắc mà tựu trung chỉ là những
trò hề lập nghiêm. Phi Lạc đã đi vào lòng người và sẽ ở lại lâu dài bởi nó đã
cười lên được cái bi đát của những thân phận cùng khốn, những kiếp mõ làng
trong lòng những dân tộc nhược tiểu.
Thụy Khuê
Paris, tháng 6/2003