Thụy Khuê

Thoạt kỳ thủy trong vùng đất

Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương

 

 

 

Năm mươi người trai chết ở trên ngàn

Năm mươi người gái chết chìm dưới bể

Thơ Nguyễn Bình Phương

 

Thoạt kỳ thủy, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Bình Phương, viết xong từ tháng 8 năm 1995, nhưng đến tám năm sau, tháng 8 năm 2003, tác giả mới "chỉnh sửa" lại để in và để được in, nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã phát hành tại Hà Nội đầu năm 2004. Nghe đâu, phần "chỉnh sửa" cũng mất hàng trăm trang. Đối với một cuốn sách nhỏ, 163 trang, "chỉnh sửa" như thế là nhiều và có lẽ đó là một trong những lý do khiến người đọc đôi lúc có cảm tưởng hụt hẫng, không hiểu gì cả. Nếu Thoạt kỳ thủy được in cùng thời với tập trường ca Khách của trần gian (nxb Văn Học, Hà Nội, 1996) thì có lẽ người đọc dễ tiếp nhận hơn, vì thơ "dẫn" cho văn, văn "vận" vào thơ, bởi Bình Phương là nhà văn có "căn" thơ và giữa hai tác phẩm lấp ló những đầu mối chung của một "luận đề", nếu chúng ta công nhận có một luận đề trong Thoạt kỳ thuỷ.

 

Thoạt kỳ thủy là một cuốn tiểu thuyết khác thường, khó đọc, bởi lối hành văn và cấu trúc truyện rất lạ, một thứ "thoạt kỳ thủy" trong văn chương mang dấu ấn sáng tạo. Nhưng sáng tạo nếu chỉ lạ, chỉ kỳ không chưa đủ, còn phải có gì khác nữa. Vậy đâu là những yếu tố "khác" trong tác phẩm "kỳ thủy" này?

Trước tiên, trong Thoạt kỳ thủy, Bình Phương không liên lạc sự kiện, diễn biến với nhau. Trước mỗi bối cảnh, người viết như muốn ở cùng vị trí với người đọc, để cùng quan sát, tiếp thị. Tác giả không đứng ở vị thế chủ thể sáng tạo, mà chỉ muốn là một kẻ ghi chép, không hơn không kém.

Chúng ta thử đọc những dòng đầu cuốn Thoạt kỳ thủy:

 

"Mười một giờ mười.

Con cú giật mình chới với rơi từ vòm lá sung xuống. Không tiếng nổ, không người. Một vật gì bằng ngón tay cái đã nhằm trúng ngực nó.

Con cú dang rộng đôi cánh màu hoa mơ, cố cất lên, nhưng không được. Một bên cánh mỏi dừ, nặng nề sã xuống... Nó kêu mấy tiếng nhỏ, bất lực để cơ thể chạm nước. Bóng cây sung vỡ tan, loang rộng thành những vòng tròn mịn và nổi gồ.

Nước thong thả chảy.

Trưa, vắng.

Chiếc bè vó lầm lũi áp dần vào bờ trái. Trên bè vó một người đàn bà ngồi vắt vẻo ru cho đứa bé trai ngủ.

Bên kia, bãi ngô, nóc nhà, ngọn cây của dân xóm Soi đột ngột dâng cao.

Nước ngấm qua lông, chạm vào da khiến con cú tỉnh táo lạ thường. Nước mơn man vuốt ve bụng nó. Đôi chân con cú thu gọn lại, áp sát vào ức. Và nó thấy khoan khoái vì trạng thái dập dềnh nhè nhẹ.

Xa xa, rặng bạch đàn xanh mờ chạy thành bức tường chắn ngang sông cái.

Con cú tròn xoe mắt nhìn hai bên bờ. Nó trôi theo dòng nước, chậm rãi, lờ đờ.

Người đàn ông què chống gậy chui từ bè ra, đến phiá sau, vạch quần đái. Tiếng nước chạm nhau ồ ồ, dai dẳng, xen với tiếng ho khan.

 

*

 

Liên bưng mâm cơm từ bếp lên. Khi lách qua cửa nhà, cạnh mâm chạm vào thành cửa, xô nghiêng. Một đôi đũa rơi xuống. Một chiếc bát trượt ra mép tay. Liên lúng túng cố chỉnh mâm cho cân. Phước, chồng Liên đang ngồi trên giường, tay mân mê cái chén, nhắc vợ:

- Cẩn thận.

Bát rơi.

Tiếng vỡ thô, đanh.

Liên hạ mâm, toan quay lại nhặt mảnh vỡ, bị Phước đạp thốc vào bụng. Liên cắn răng ôm bụng ngồi bậc cửa, đầu tỳ lên cánh tay. Bụng Liên to, vồng tròn.

- Hết tiền à?

Phước hỏi.

- Hết.

Liên đáp, nhẹ hơn gió. Phước bặm môi, nén tiếng thở dài.

Lúc ấy môi Phước xám đen, run run.

- Không có rượu, cơm cũng thành cứt.

Thôi, dọn đi!

Mâm cơm lại về bếp.

Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách. Không có rượu, Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ. Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm.

Liên sang bên vợ chồng Điện, lúc về, xách theo nửa chai rượu trắng đục. Mắt Phước sáng rực, trìu mến.

Liên đặt chai trước mặt chén, Phước vồ lấy. Liên hỏi:

- Lúc nãy anh đạp chết con thì sao?

Phước tợp chén, cười:

- Chết thì đền.

Liên ôm mặt, tóc xõa ra:

- Mạng người không phải là cái lá...

Phước hồ hỡi:

- Thiếu đếch gì, còn khối!"

(Trích Thoạt kỳ thủy, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2004, trang 9-12).

 

Đó là khung cảnh thien nhiên và nội cảnh gia đình trước khi Tính, nhân vật chính ra đời.

Trích đoạn trên đây biểu hiện lối văn trong Thoạt kỳ thủy, văn viết theo cấu trúc thơ, mỗi câu là một thực thể độc lập, và chúng không nhất thiết phải liên lạc với nhau: "Liên ôm mặt / Tóc xõa ra / Mạng người không phải là cái lá / Phước hồ hỡi / Thiếu đếch gì, còn khối". Năm câu cùng trong một mạch văn, nhưng vị trí có thể thay đổi, ví dụ nếu ta thử viết lại theo cách khác:

- Mạng người không phải là cái lá. Tóc xõa ra. Liên ôm mặt.

- Còn khối, thiếu đếch gì. Phước hồ hỡi

vẫn "đọc" được!

Không những thế, mỗi câu còn gói trọn một "xen": Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách / Không có rượu / Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ / Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm.

Như thế để thấy rằng, truyện này có thể đọc xuôi, đọc ngược, đọc từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đều "được" cả! Cấu trúc lắp ghép, cắt dán của hội họa, cho phép mỗi độc giả có thể tự sáng tạo ra một lối đọc riêng. Và vì có thể có nhiều "sự đọc" khác nhau, cho nên có nhiều cách hiểu khác nhau, và do đó tác giả đã tạo ra một mê đồ trận.

Vì mỗi câu đều có thể đứng riêng một mình và đều có khả năng tạo một hình ảnh, một bối cảnh độc lập, cho nên khi lắp ghép một cách vô trật tự những câu ấy với nhau, tác giả đã tạo ra lối nói, lối mơ của người điên, của một cộng đồng bị đẩy ra ngoài lề xã hội, nhưng lại là hậu quả không thể giấu diếm, loại trừ được, mà Tính là biểu hiệu nhỡn tiền. Những giấc mơ điên của Tính hoà hợp sâu sắc giữa mê và tỉnh, giữa sự thực trần trụi đã bị xoá nhoà nhưng vẫn trổi dậy thành một thực thể hỗn loạn trầm uất trong mơ.

Đây, chắc chắn không phải là một truyện viết theo lối truyền thống, vì vậy cũng cần những cách đọc không truyền thống. Trước hết, văn tuy viết theo lối thơ không vần, nhưng không phải thơ, mà lại gần kịch.

Kịch, ở điểm vào đầu có một chương giới thiệu các nhân vật.

Kịch, ở điểm bỏ hết giải thích, bỏ mọi liên lạc giữa những diễn biến xảy ra.

Kịch, ở điểm phi tang mọi hình thức kể.

Nhưng lại không kịch ở chỗ: chẳng cứ người, mà cả cảnh lẫn vật đều có thể nói. Không kịch ở chỗ: ngoài đối thoại, mọi hình thức diễn đạt khác đều có thể hiện diện trong tác phẩm.

Những yếu tố vừa kịch vừa phi kịch vừa thơ vừa phi thơ này chính là những mấu chốt cấu trúc tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy.

 

Trang đầu, màn kịch mở ra, không phải người xuất hiện. Trang chót đóng lại, cũng trên hình ảnh và động tác của. Trong màn chót này Nguyễn Bình Phương dường như muốn tạo ra một cảnh mới về tận thế:

"Mười hai giờ.

Con cú nhắm mắt, sau đó lại mở. Cái xoáy nước chỉ cách nó một chút. Dòng sông chảy băng băng dưới bụng.

Con cú hít một hơi dài, ngực đau buốt.

Nó hít hơi nữa. Hơi nữa...

Hai bên bờ, những vạt ngô lao vùn vụt thành bức tường xanh.

Mặt đập hiện ra, lừng lững, tàn nhẫn.

Đột nhiên, bằng sức mạnh phi thường, con cú kêu lên một tiếng xé lòng. Nó xoè cánh, cất mình lên theo đường thẳng đứng. Hai chân con cú quặp chặt lấy nước. Dòng sông khựng lại. Nước bị kéo lên như tấm vải

Con cú rướn người.

Dòng sông níu nó bằng toàn bộ khối lượng của nước, lá mục và váng mỡ.

[...]

Và dòng sông bị đứt khỏi đôi bờ." (sđd, trang 155-156).

 

Lồng trong những hình ảnh cực kỳ siêu thực, ý niệm thời gian trở nên rất mơ hồ: kịch mở màn mười một giờ mười, kết thúc mười hai giờ, không ngày tháng, tạo cảm giác như thể từ thoạt kỳ thủy đến hồi chung cục, kể như từ lúc Tính sinh đến lúc Tính chết, bi kịch chỉ kéo dài 50 phút, thời gian diễn một vở kịch vừa.

Quan hệ giữa người là một quan hệ mở, từ người đến cú mất bao nhiêu năm? Và từ cú lên người mất bao ngày tháng? Không biết. Chỉ biết rằng: Trong năm mươi phút, con cú đã khép tròn vòng quay, về một cõi nhân sinh có dòng sông bị đứt khỏi đôi bờ, về một cõi sống sa lầy trong chém giết, trong dốt nát tối tăm, trong dục vọng không được thoả mãn, trong bạo lực không kiềm chế được: một vũ trụ không chỗ dung thân cho cả người lẫn cú, từ lúc khai nguyên đến hồi tận thế. Và vũ trụ này, Nguyễn Bình Phương đã từng diễn tả trong thơ:

 

Bãi tha ma Linh Sơn hoang vu

Cây Cậm cam rờn xám

Cơn sốt dậy sắc hồng hồng quái dị

Trong vàn lá tí xiu

Những tiếng thở não nề dần chết

Những vực thẳm lặng lờ

Mạch rễ vươn chậm chậm...

Con đường trắng lừ lừ đi xuống nước

Bè vó ngủ

Giấc mù loà màu đá gan gà

Một cái bóng xanh xao trùm qua đỉnh núi

Một người mẹ run run tay đặt lên bụng

Giờ nào con ra?

[...]

Năm 1965

Tháng Giêng

Ngày 29

Con rắn mào rời núi

Một chú bé ra đời cười sằng sặc

Lăn hai vòng

Rồi đi

Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi

Đêm ấy đám người điên

Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo

Đêm ấy những hàng cây đại thụ

Long rễ và héo rũ

(trường ca Khách của trần gian)

 

Những yếu tố: Tha ma, vực thẳm, sắc hồng quái dị, người điên, cười sằng sặc... đã xuất hiện, đã xuất hiện từ ngày người khách trần gian ấy chào đời, vào đời cùng với:

 

Những đứa trẻ tuổi trâu

Những đứa trẻ tuổi hùm

Những đứa trẻ chết già bên đường

Những đứa trẻ ngủ mơ màng trong cỏ

Những đứa trẻ trẹn mây chăn chim

Những đứa trẻ dưới nước chăn cá

Những đứa trẻ mồ côi trôi vĩnh viễn

Trôi như một nụ hoa tái nhợt

Trôi không nở bao giờ

Những đứa trẻ cuồng nhiệt dứt một ngọn lửa

Những đứa trẻ thờ ơ nhập một cây khô

Những đứa trẻ đêm đêm gào thét

Những tảng đá màu huyết thanh

Nằm ngoài rìa nghĩa địa

( Trường ca Khách của trần gian)

 

Mấy ai để ý đến những đứa trẻ? Đến những đứa trẻ chết già này? Ai biết Bình Phương sinh ngày 29/12/1965? Ai biết bối cảnh vào đời, hay vào cõi của những người khách trần gian cùng chung một "thoại kỳ thủy" như Tính? Vậy bây giờ chúng tôi mời bạn vào thăm vùng đất ấy, vùng chôn rau cắt rốn của Tính và những đứa trẻ chết già:

 

Thoạt kỳ thủy, màn mở, chưa thấy người, nhưng bạo lực đã xuất hiện: con cú bị một vật gì bằng ngón tay cái ném trúng ngực, rơi xuống sông, và dòng nước -vẫn thong thả chảy như chẳng có chuyện gì xảy ra- vô tình băng bó vết thương cho con vật.

Rồi người xuất hiện, với cử chỉ thô tục (vạch quần đái) làm ô uế dòng nước, làm vẩn đục môi trường, làm tha hóa dương gian với những cục cằn và tàn nhẫn, bằng lời nói và hành động.

Phước, người cha, kẻ thống trị trong gia đình, hơi có máu điên, là một tay nghiện ngập, thô lỗ, chỉ biết thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lúc thèm rượu gặm đít chén canh cách, sẵn sàng tặng cho con (còn trong bụng mẹ) những cú đá điếng người và thích cho nó nghe (vẫn từ trong bụng mẹ) những âm thanh cục cằn, những lời lẽ coi rẻ mạng người như rác. Những lời khinh mạn khi nói về mạng người "Thiếu đếch gì, còn khối!", vừa như muốn dọa trước: mày còn muốn "chào đời" nữa không? vừa biểu hiện "mặt bằng" của một xã hội lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh nhân mạng, bởi từ trên xuống dưới, chẳng ai coi mạng người ra "cái đếch" gì.

Liên, người mẹ, sau khi bị đánh, đi vào núi Hột đập đá. Và nàng cứ chung thân sống kiếp khổ sai đập đá. Liên không có khả năng phản hồi, trong nàng, tất cả đều tê liệt. Trăm phầm trăm tê liệt: Liên thuộc lớp người cầu an, thấp cổ bé miệng, bị ngược đãi, bị bạo hành, nhưng không có cách gì khác ngoài việc cộng sinh với kẻ bạo hành, đẻ ra đứa con là Tính. Liên và Hiền, vợ Tính sau này, là hai người phụ nữ, biểu dương tâm thức cộng đồng, tâm thức bầy đàn, chịu trận. Muốn yên, họ đành câm nín, chịu đựng, sống cho qua ngày.

Người tạo ra bạo lực, người dồn nhau trong bạo lực, người sống trong bạo lực, nhưng không chỉ có người dồn người trong bạo lực. Ở đây, cả đến cây, cỏ, chim chóc, cả đá cũng bị bạo hành. Núi Hột bị đập, bị khoét vẹt một nửa "như một cơ thể bị mất thịt, rướm máu".

 

Đang đập đá, Liên đau đẻ và sinh ra Tính.

Từ lúc Tính được cấu tạo trong bào thai, bắt đầu thời của Thoạt kỳ thủy.

Vậy, thoạt kỳ thủy, có thể hiểu là từ lúc sơ khai; từ lúc chưa ra đời, Tính đã tiếp nhận bạo lực, qua những cú đá thốc của người cha độc tài và nghiện ngập, từ trong bụng mẹ. Ngoài bạo lực đến từ người cha, cũng từ thoạt kỳ thủy, trăng đã xuất hiện, một vầng trăng đe dọa, đàn áp:

 "Vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại.

Trăng không đi hình vòng cung lên cao. Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời. Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết." (trang 14-15)

 

Lọt lòng mẹ, Tính đã thấy trăng, và Tính đã biết sợ. Tính đã co rúm người lại, đã gào thét như thấy ngáo ộp. Trăng không vòng vo lưỡi liềm mà trăng chọc thẳng vào tính, vào nhân tính, vào con người, vào tính người, trăng trực tiếp can thiệp, trăng choán kín bầu trời, trăng chiếm hữu phần dưỡng khí, trăng làm cho người "ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng lạnh lẽo, rên riết".

Mỗi hình ảnh đều lạ thường quái đản, không còn dây dưa gì với những ý nghĩa thông dụng nữa. Mỗi câu, mỗi chữ, là một ẩn dụ bí mật, với những ngụ ý khác thường, đa nghiã, biến nghĩa. Ví dụ như trăng, một vầng trăng cực kỳ khả nghi, đen tối, đi với màu vàng, nó có thể trở thành sao, đi với màu đỏ, nó trở thành máu. Mà tất cả những màu sắc này, dường như đều có những ngụ ý riêng, đều gắn bó mật thiết với lịch sử của đất nước này, không phải vô tình mà chúng có đó.

Màu chính bao trùm lên toàn cõi sống này là màu vàng. Một màu vàng đầy chất khả nghi "đèn hắt ra vàng đục như mắt chó gặp lửa" (trang 14). Màu vàng này lại luôn dây dưa với chó: "Tính phát hiện ra con chó nhà ông Điện mắt vàng, sáng quắc đang rọi vào mình." (trang 26). Ám ảnh chó, vàng, trăng không ngớt chi phối Tính. Từ đó, nảy ra điệp khúc "Mắt chó vàng như trăng". "Câu thơ" mắt chó vàng như trăng, trở thành khẩu hiệu chảy suốt dọc dòng tư tưởng và dòng đời điên loạn của Tính, thức cũng như ngủ, mơ cũng như tỉnh, Tính luôn luôn nhìn thấy mắt chó vàng như trăng. Hình ảnh này trở thành bầu khí quyển bao trùm lên Tính và những người đồng loại.

Ba chữ: trăng, chó, và vàng, biến thiên trong mỗi ngữ cảnh khác nhau, biểu lộ toàn bộ bản chất xã hội chung quanh Tính.

Hai tuổi, Tính đã "thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm". Không đi học, Tính lấy việc giết kiến, giết công cống, làm thú vui duy nhất: "Tính giết sạch một tổ kiến dưới gốc sung" (trang 29). "Tính dành thời gian giết công cống, bắt được con nào cũng trân trọng đặt lên lòng tay, rồi bất thần đập tay kia xuống. Công cống chết nát bét. Tính cười mỉm, mặt rực lên." (trang 21).

 Ở gần nhà ông Điện hoạn lợn, mỗi lần mổ lợn ông Điện đều dẫn Tính theo, bởi Tính dễ sai, bảo gì cũng làm, nhưng "càng về sau, ông Điện càng ít gọi Tính đi theo mình vì ông để ý thấy Tính nhìn cảnh chọc tiết lợn với vẻ ham muốn đáng nghi. Mắt Tính càng lớn càng vằn lên". (trang 23).

 Chuyện Tính gợi nhớ chuyện Mạnh Tử. Ban đầu, nhà ở gần lò sát sinh, cậu Kha, tức Mạnh Tử, ngày ngày bắt chước, chơi trò mổ moi, chọc tiết; người mẹ bảo chỗ này không phải chỗ con ta ở, bèn dọn nhà đến gần chợ. Ở chợ, cậu Kha lại bắt chước buôn bán đảo điên, bà mẹ lại phải dời nhà, lần này đến gần trường học, và ở đây cậu Kha bắt chước học trò, nghiêm trang đi học. Bà mẹ không dọn nhà nữa. Thoạt kỳ thủy dường như muốn hướng về việc trồng người theo quan niệm mẹ Mạnh Tử, và chối bỏ những cách trồng người sau này người ta khẩn trương hô hào thực hiện.

Để cậu Kha bên cạnh cậu Tính, mới thấy tầm quan trọng của giáo dục, thấy nguy cơ một đứa trẻ ngay từ lúc còn trong bụng mẹ đã nhận bạo lực như bài học vỡ lòng. Và nguy cơ của một xã hội trong đó con người từ lúc sinh đến lúc chết chỉ được biết có độc một vừng trăng, được biết có độc một thứ ánh sáng vàng duy nhất.

Rồi Tính không được học hành, và ông Điện lại có con chó mắt vàng như trăng, sáng quắc luôn luôn rọi vào nó. Tất nhiên gậy ông phải đập lưng ông: ông Điện dạy Tính chọc tiết, theo dõi Tính bằng con mắt chó vàng, cảnh cáo Tính "Mày chơi với bọn điên, khốn!" Hẳn là có ngày Tính phải "giải quyết" ông Điện. Tính đã thực nghiệm bạo hành đầu tiên trên việc đốt nhà ông Điện, đốt cháy người thày, sau khi đã xử lý hàng loạt ruồi, muỗi, kiến, công cống, lợn... Sau đó Tính thử nghiệm trên những người khác, khi thành khi bại, cuối cùng Tính thử nghiệm việc chọc tiết trên chính mình. Tính đã hoàn thành một vòng hủy diệt theo đúng quy luật: mạng người không đáng một con kiến.

 Người thày thứ nhì của Tính và của lũ trẻ trong làng là Hưng, người anh hùng đi Bê có tác phong du đãng. Thuộc "trường phái" chiến tranh, một trường phái sát sinh khác, nhưng Hưng lại không giống mẫu người hùng chiến sĩ chút nào. Hưng nhìn ngày giải phóng lịch sử, dưới những nét xếch-xi đặc biệt: "Dạo vào Sài Gòn tôi bắn vỡ bao nhiêu kính. Cái đàn này ăn thua gì! [...] Đốt bao nhiêu sách, có cả ảnh cởi truồng. Bây giờ thì tôi vẫn rạo rực... cháy mất nửa vú..." (trang 92). Và Hưng có những giấc mơ tiêu cực: "Hưng kể đêm mơ toàn người chết. Họ về hò nhau lăn Hưng như lăn su hào. Tay người nào cũng cầm súng. Ông Phùng bảo thế là địch rồi. Hưng gật." (trang 96). Hưng nói lên tâm thức vô thần, vô đạo của những người xung quanh: "Hưng chỉ vào hình Chúa Jê-su đúc nổi trên chiếc thánh giá, hỏi ông Khoa: Thằng Mỹ nào mà dạng chân dạng tay ra thế kia?" (trang 73). Hưng mô tả chuyện đánh Mỹ bằng những hình ảnh porno đồi trụy:

 "Các buổi chiều trẻ con xúm lại nghe Hưng kể chuyện đánh Mỹ. Hưng lấy hai quả chuối gắn vào hai khoé mép, vươn cổ ra trước:

- Khoặp! Ðấy, một nhát là đi đứt.

Bọn trẻ vừa sợ vừa khoái. Nhiều đứa đến trường thấy cô giáo, bèn chạy sấn lại, há mồm, rồi kêu:

- Khoặp!" (trang 19).

 "Hưng kể chuyện cắn cổ Mỹ, xong, nói về cảnh đốt trại tù binh. Tính nghe, mồn há hốc. Hưng tả:

- Lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên.

Tính nhìn Hưng chằm chằm. Ðang say sưa, bị mắt Tính rọi thẳng, Hưng líu lưỡi, thổ ra một câu:

- Mắt chó vàng như trăng" (trang 32).

Hưng hát Lửa bốc cao căm hờn. Bốc từ bẹn bốc lên... (trang 33).

Rồi đang ba hoa, "Hưng co chân, đứng dậy bỏ đi. Bụi cây lay động. Tính lẩm bẩm: Mắt chó vàng như trăng." (trang 38). Tóm lại, không ai thoát khỏi "mắt chó", khỏi ám ảnh bị mắt chó theo dõi, Tính cũng trở thành "mắt chó" ngó Hưng. Trong bụi rậm lại có một "mắt chó" khác đang rình Tính. Tính còn đủ khôn để biết mình đang bị mắt chó rình, nhưng liệu Tính có hay rằng mình đã trở thành mắt chó?

Đập vỡ huyền thoại anh hùng, Hưng mớm cho Tính chất du đãng, chất lính tráng, chất đào ngũ, chất bất phục tòng, cộng thêm những cao kiến của các bậc niên trưởng: "Ông Sung bảo đi đánh nhau. Tính hỏi đi chọc tiết à? Ông Sung bảo đến đấy tha hồ mà chọc tiết" (trang 114) Những cao kiến này luôn luôn mở ra như những cẩm nang, chúng quằn quại trong những giấc mơ điên của Tính, những giấc mơ mà kiến, người và lợn trở thành đồng chủng:

 "Tính ngồi cắm cúi nhặt kiến, di tanh tách. Tính nhắm mắt, trong bóng tối lảo đảo, hiện ra một cái tai cưỡi trên con ngựa già đuổi theo một chú lợn. Cái tai xám, mơ màng, tay huơ huơ con dao thọc tiết lợn sáng quắc: "Chọc!" Tính hét lên, choàng mắt" (trang 40).

Trong bầu khí hừng hực của một tổ quốc lúc nào cũng sẵn sàng lâm nguy: "Lại chiến tranh! Đêm ấy không ai ngủ. Chó không tru. Gió kéo về từng luồng hun hút" (trang 111), ông Phùng nhà văn như một kẻ mù lòa, một tên hành khất, ăn lông ở lỗ. Chả ai thèm biết ông viết gì, bản thảo không ai đọc, trở thành cỏ rác. Cuối cùng, rồi ông Phùng cũng giật được giải thưởng văn chương như một hình thức"phục hồi", nhưng trên đường đi lãnh thưởng, ông bị Hưng giết. Bản thảo duy nhất còn lại trong di cảo, viết về một mụ điên, có tên "Và cỏ", cũng là một bản thảo điên.

 

Trong không gian

Ông thiến lợn quăng dây thòng lọng

Không khí kêu eng éc (Khách của trần gian)

bất cứ hình ảnh nào rồi cũng có thể trở thành máu mê. Tính sinh ra trong môi trường ấy, người ta quên dạy yêu thương, không ai tha thiết với văn chương, Tính sống trong vùng mang huyền thoại:

 

Năm mươi người trai chết ở trên ngàn

Nở

Năm mươi cô gái

 

Năm mươi cô gái chết chìm dưới bể

Nở

Năm mươi chàng trai

 

Đêm giao hợp đầu tiên sông núi thở dài (Khách của trần gian).

 

Huyền thoại xoáy vòng trôn ốc như một luân hồi sinh diệt, Tính không có khả năng yêu đương, không có khả năng làm đàn ông, Tính bị tuyệt đường tính dục. Hiền, người vợ đẹp, tồn tại như một đóa hoa nghệ thuật trơ trọi chưa nở đã tàn. Hiền cũng là một trong "những đứa trẻ mồ côi trôi vĩnh viễn, trôi như một nụ hoa tái nhợt, trôi không nở bao giờ". Tất cả trong Tính chỉ còn đọng lại một màu: máu. Máu đổ từng câu, từng khúc, từng đoạn, hỗn loạn trong vô thức của Tính như những câu thần chú: "Mắt chó vàng như trăng. Nó giàn giụa sáng. Mẹ ạ, phải làm gì bây giờ. Kiến đấy thôi, xọc một nhát dao vào cổ thì thành lợn. Mẹ biết máu chảy từ chỗ nào không? Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Da thịt của đá mỏng manh lắm. Sánh sao được với nước sông cái. Ông bồi què chẻ nước bằng mái chèo xám xịt. Chẻ tanh bành điên cuồng. Vậy mà nó cứ liền lại cứ tỉnh không. Nó cứ trôi, da thịt và máu cứ trôi..." (trang 36). Những giấc mơ siêu thực, hoảng loạn, chứa đựng những gian dối từ trong lời mẹ: đẻ bằng nách, những giấc mơ đầy bắt bớ, thủ tiêu, những giấc mơ đầy đói khát, đập đá chung thân, tất cả lộn lèo sùng sục trong đầu Tính như một nồi cháo lú đang sôi: "Bị dắt đi, dắt đi. Có mấy sợi lông mèo treo dưới tán lá đen. Hai người ngồi trong hốc cổ thụ nói về máu. Đập đập đập đập đập... đẻ ra từ nách này. Hôm nay có quần áo mới, họ xúm lại ăn. Bố uống thả cửa. Giá như lúc ấy vồ được con thạch sùng, sẽ đem ra chọc tiết. Cần thì cho ông Thụy thả xuống Ao Lang chơi. Nó đỏ rực rừng rưng.

Hiền đỏ như máu. Đỏ như điã xôi gấc. Búa tạ đập vỡ lò nhà ông Quyên cho sướng. Nát tay chứ chẳng chơi. Ai bảo nó ăn cắp thịt? Thằng Chanh Linh ấy. Mắt chó vàng như trăng [...] Máu rỉ ra từ ngực. Sông hút máu như chậu hút máu lợn, bát hút máu gà, con dao ông Điện hút máu ai nhỉ?

Bị dắt đi, dắt đi, dắt đi, dắt đi...

Cây sợ run bần bật. Nhiều trăng lắm nhé, mẹ nhé. Thích nhỉ, mẹ nhỉ." (trang 66-67).

 

 

Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương, đầy huyễn mộng, viết về hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn. Khởi đi từ cá nhân một đứa trẻ, lọt lòng mẹ vô tội, đến trưởng thành máu mê, tự diệt. Thoạt kỳ thủy là hậu quả việc trồng người trong môi trường thường trực kích động chiến tranh. Là chuyện nhỡn tiền nhân quả. Là thế giới con người trong vòng u mê, tử khí. Thoạt kỳ thủy khởi tố những cách dìu dắt trẻ thơ về những con đường chém giết, là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu những nguy cơ của mảnh trần gian lấy bạo lực và dốt nát làm cẩm nang giáo dục con người.

Thụy Khuê, 10-7-2004

© Copyright Thuy Khue 2004