Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ Chương 4 Ký sự Đàng Ngoài của Giuliano Baldinotti
Giuliano Baldinotti (?-1630), người Ý, sinh tại Pistoia (gần Florence), là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Ngoài. Ông đi cùng với thày giảng Giulio Piani, người Nhật từ Macao ngày 2-2-1626 và tới Tunquim (Đông Kinh tức Thăng Long) ngày 7-3-1626. Ngày 18-8-1626, ông rời Thăng Long, về đến Macao ngày 16-9-1626. Baldinotti ở Thăng Long hơn năm tháng, nhưng ông không biết có vua Lê. Người mà ông gọi là roi, chính là chúa Trịnh Tráng (1623-1657) con của Trịnh Tùng (1570-1620). Vậy hoặc ông không rõ tình hình chính trị ở Đàng Ngoài, hoặc vì vua Lê không còn vai trò gì cả, trừ khi được chúa Trịnh rước đi làm "chính nghiã" để đánh nhau với chúa Nguyễn.[1] Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài bốn năm sau khi Cristoforo Borri rời Đàng Trong. Qua năm tháng, mười ngày, ở Đông Kinh, Baldinotti đã quan sát đời sống ở đây, khi trở về Macao, ông viết bản phúc trình gửi Bề trên ở Roma, khoảng bốn trang sách in, rất cô đọng và chứa đựng nhiều thông tin đáng chú ý, có tầm quan trọng không ngờ. Đặc biệt nhất, theo lời ông kể lại, ông được chúa Trinh Tráng sai viên hoạn quan thỉnh cầu ông dạy cho ông ta về thiên văn và nhà sư [thượng tọa] nói với ông rằng: người tu hành Đàng Ngoài chẳng biết ăn nói, chẳng biết suy nghĩ, sống như con vật và đã khẩn khoản cầu tôi ở lại dạy họ. Vậy vấn đề xin được dạy dỗ, sau này gọi là giáo hóa, lần đầu tiên được đề cập đến trong bản phúc trình này. Việc «giáo hoá» và việc «tàn sát» giáo dân (do các thừa sai ngụy tạo), sẽ là hai «nguyên nhân» chính, được linh mục Huc và giám mục Pellerin đệ trình lên vua Napoléon III, đưa đến quyết định tấn công Đà Nẵng năm 1858, mở đầu chiến tranh xâm lăng Việt Nam, kéo dài hơn 30 năm.
Ký sự Đàng Ngoài tức bản phúc trình của Giuliano Baldinotti, là thư ông gửi cho Giáo trưởng Dòng Tên ở La Mã, đề ngày 12-11-1626, tường trình công việc và kết quả chuyến đi Đông Kinh, một vương quốc ông "vừa khám phá" và được chúa Trịnh Tráng tiếp đãi hết sức tử tế. Trong thư này, Baldinotti còn cho biết nguyện vọng muốn được trở lại Đông Kinh. Nhưng rồi không thấy ông trở lại. Và năm 1630, ông qua đời tại Macao. Ký sự Đàng Ngoài của Baldinotti được đăng cả bản tiếng Ý lẫn tiếng Pháp (do bác sĩ Mario Carti dịch) ở Hà Nội, trong Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient (Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ), quyển III, năm 1903, trang 71-78, trong mục Notes et Mélanges (Ghi chú và Tạp bút). Khi Baldinotti đến Đàng Ngoài năm 1626, Trịnh Tráng mới lên ngôi chúa được 3 năm. Trong bối cảnh Đàng Ngoài sửa soạn chiến tranh với Đàng Trong, Baldinotti là nhân chứng ngoại quốc đầu tiên để lại một tập tài liệu. Việc Macao gửi Baldinotti đi Đàng Ngoài cùng với thày giảng Giulio Piani, người Nhật, là theo thông lệ lúc bấy giờ: Thày giảng Piani làm thông ngôn bằng cách viết chữ Nhật (tức chữ Hán đọc thành tiếng Nhật) cho người Việt đọc và trả lời bằng chữ Hán, rồi Piani dịch sang tiếng Bồ hoặc La tinh cho Baldinotti hiểu. Theo Baldinotti, thầy Giulio Piani còn có nhiệm vụ nghe xưng tội, vậy Piani còn biết cả tiếng Việt nữa. Ngoài ra, cũng xin nhắc lại: Nhật là nước đạo Chúa được truyền vào từ giữa thế kỷ XVI, và các giáo sĩ Tây phương đã nghĩ cách viết tiếng Nhật bằng mẫu tự La Tinh với các giáo sĩ Nhật Bản. Nhưng từ năm 1614, Mạc phủ cấm đạo rất ngặt, các giáo sĩ Tây phương và Nhật Bản phải chạy ra nước ngoài, với kinh nghiệm hơn 20 năm thành lập chữ quốc ngữ Nhật. Cho nên khi Macao gửi giáo sĩ đến Việt Nam, họ luôn luôn gửi thầy giảng Nhật đi kèm. Vì vậy, các thày giảng Nhật đã góp phần không nhỏ vào việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ. Riêng linh mục Pedro Marques, người Bồ lai Nhật, đã nhiều lần cầm đầu các phái đoàn giáo sĩ đến Đàng Trong và Đàng Ngoài, và là cha Bề trên ở Hội An, cơ sở đầu tiên của đạo Chúa ở Đàng Trong. Bài viết của Baldinotti, nguyên bản tiếng Ý và bản dịch tiếng Pháp của Mario Carti, được in trong Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ, Tập III- 1903 (trang 71-78) chữ in liền sít nhau, rất ít xuống hàng. Dưới đây, chúng tôi dịch toàn bộ bài này qua bản dịch tiếng Pháp của Mario Carti (trang 75-78), xin phép chấm xuống hàng và chia ra từng đoạn, đặt tiểu tựa và viết lời dẫn giải để độc giả dễ tiếp thu. Bản dịch in nghiêng. Lời bàn in thẳng.
Ghi chú và Tạp bút (Notes et Mélanges) Ký sự Đàng Ngoài của cha Baldinotti (La relation sur le Tonkin du P. Baldinotti) Lời giới thiệu của Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ: "Ta biết rằng Cha Giuliano Baldinotti, người Ý, sinh tại Pistoia, gần Florence, là giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Ngoài. Ông Nocentini, là bạn một vị học giả rất thành thạo lịch sử Pistoia, nên đã có được một bản của cuốn sách trong có in bức thư ngắn của cha Baldinotti gửi cho Giáo trưởng Dòng Tên ở Rome, sau khi ông về Macao và mất ở đấy năm 1630. Bản ký sự này là một tài liệu rất hiếm. Ông Capponi trong Bibliografia pistoiese coi là chưa in ở đâu và Cha Zacaria cũng vậy (...) Tuy nhiên, lá thư của cha Baldinotti gửi cho bề trên ở Rome đề ngày 12-11-1626, đã được những người thừa kế của ông Bartolomeo Zanetti in tại Rome năm 1629 trong một cuốn sách nhỏ, tựa đề Lettere dell' Ethiopia dell' Anno 1626 fino al Marzo del 1627, e della Cina dell' Anno 1625 fino al Febraio del 1626. Ông Nocentini đã tìm thấy một bản này ở thư viện quốc gia Florence, ông cho chép lại và trình bầy tại Hội nghị Hà Nội, qua bản dịch tiếng Pháp của bác sĩ Mario Carti, mà chúng tôi có sửa lại chút đỉnh".
Ký sự về Vương quốc Đông Kinh, vừa mới khám phá (Relation du Royaume de Tunquim, nouvellement découvert) 1- Lên đường «Nhân dịp vài nhà buôn Bồ định đến vương quốc Tunquim (Đông Kinh) bằng thuyền buồm kiểu Hoà Lan[2], hành trình cho tới lúc bấy giờ chưa ai làm, Bề trên thấy rằng nên gửi tôi đi với thầy giảng Giulio Piani. Thày Giulio Piani, người Nhật, để nghe xưng tội, và tôi, để tìm hiểu vương quốc này mà xếp đặt việc truyền giảng Phúc âm của Chúa. Với chủ đích ấy, chúng tôi rời Macao ngày 2-2-1626, là ngày lễ Thánh-Mẫu Hiến Đường (Purification de Notre-Dame), đi mất ba mươi sáu ngày, vì bị chỉ sai đường, rồi lại điêu đứng vì gặp bão; khi tôi ném xuống biển một thánh tích của thánh François Xavier bão mới ngừng. Ngày 7-3, chúng tôi ngược đường sông đi sâu vào đất liền mười tám dặm [26km604][3] tới Đông Kinh. Được thông báo việc chúng tôi đến, chúa gửi bốn chiến thuyền ra biển đón, hộ tống suốt dọc sông, đề phòng thuyền cướp biển đợi sẵn. Tới nơi, tôi, thày Guilio, và những người Bồ đến yết kiến chúa ngay, ngài chúc mừng và cực kỳ hoan hỷ tiếp đón, ban cho chúng tôi nhiều thức ăn lạ và hứa trợ cấp tất cả những gì chúng tôi cần. Khi chúng tôi xin cáo lui, ngài đã tặng tôi và thuyền trưởng những bộ áo quý giá của xứ này, và truyền lệnh cho chúng tôi được ở những căn nhà tốt nhất trong thành phố. Chừng nào chúng tôi còn ở Đàng Ngoài, chúa còn ban cho nhiều ân huệ, ngài thường gửi đồ giải lao cho thuyền trưởng và tôi, và mỗi lần đến yết kiến chúa, ngoài đồ giải khát, chúa còn cho thêm đủ loại tặng vật nữa. Chúa thường mời chúng tôi xem lễ hội: những buổi đấu voi, đua ngựa, đua thuyền và chính ngài cưỡi một con voi lớn, ra lệnh cho lính, cầm kiếm, thương, hay các thứ vũ khí khác trong tay, đưa cho con voi "chọn" và lấy vòi đem dâng chúa. Ngựa cũng làm như thế, cũng "lấy" khí giới đặt dưới đất đưa cho kỵ sỹ. Chúa cũng mời chúng tôi xem kịch và dự nhiều lễ khác, có một vài lễ tôi không dự vì không hợp phẩm cách [kẻ tu hành]. Chúa ban cho chúng tôi tất cả những ân sủng này có lẽ vì muốn buôn bán với người Bồ, theo tin đồn ở đây, thuyền buôn Bồ mang lại rất nhiều lợi nhuận».
Baldinotti là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Thăng Long, năm 1626, và đã được chúa Trịnh Tráng đón tiếp nồng hậu. Ân huệ này trở lại khi linh mục Pedro Marques và Alexandre de Rhodes tới Đàng Ngoài năm 1627, cũng được tiếp đón ân cần, như thế, chứng tỏ chính sách mở cửa của chúa Trịnh Tráng đối với đạo Chúa. Câu "Thày Giulio Piani, người Nhật, để nghe xưng tội, và tôi, để tìm hiểu vương quốc này mà xếp đặt việc truyền giảng Phúc âm của Chúa" chứng tỏ thày giảng Piani biết tiếng Việt, và nhiệm vụ của hai người là truyền giáo. Nhưng Baldinotti khai ông đi với người Bồ như một linh mục tuyên uý để làm lễ và giải tội cho họ. Khi được chúa Trịnh mời trở lại Đông Kinh, ông mới hứa là sẽ xin phép Bề trên để trở lại ngay phò chúa, như ta sẽ thấy ở dưới. Chữ Tunquim trong dòng đầu của ký sự, là dạng thức quốc ngữ đầu tiên, phiên âm tên thủ đô Thăng Long lúc đó gọi là Đông kinh để phân biệt với Thanh Hóa, tức Tây đô. Chữ Tunquim này đôi khi còn chỉ cả vùng Đàng Ngoài nữa. Mãi sau này người Pháp mới viết thành Tonkin, là do từ chữ Tunquim của người Bồ, người Ý mà ra. Alexandre de Rhodes cũng viết: Tunquim hay Tunquin, chứng tỏ de Rhodes chưa tạo ra cách viết chữ quốc ngữ theo lối Pháp.
2- Tiếp xúc với chúa Trịnh «Trong suốt thời gian ở Đông Kinh, tôi cố gắng [khuyên] người Bồ làm gương tốt cho dân bản xứ và họ đã tuân theo thực sự, trước [một chữ không rõ] của chúa, chúa đã có thiện cảm với đạo của chúng tôi, và muốn tôi ở lại vương quốc. Chúa truyền cho một vị hoạn quan, là quý tộc trong triều, nhờ tôi dạy ông ta những điều về trời [chiêm tinh] [que je lui enseignasse les choses du ciel] vì biết tôi thành thạo toán học. Ông này cho tôi biết chúa đã được thông báo về kiến thức của tôi qua một vị hoạn quan, quý tộc đầu triều, và một nhà tu hành. Ông thầy tu này, sau khi đến thăm tôi và bàn cãi về đức tin của tôi và của ông ta, cùng nhiều vấn đề thiên nhiên khác, trong ba giờ đồng hồ, đã hoàn toàn bị thuyết phục, đến nỗi nhiều khi ông ta nói trước mặt những người hầu cận và người Bồ, là người tu hành Đàng Ngoài chẳng biết ăn nói, chẳng biết suy nghĩ, sống như con vật và ông đã khẩn khoản cầu tôi ở lại dạy họ, [những chữ in đậm trong bài là do chúng tôi] ông cho tôi nhiều quà cáp và đến thăm tôi luôn luôn. Với nhà quý tộc vua gửi đến, tôi trả lời rằng tôi không thể ở lại đất này, vì chưa được phép của bề trên. Bề trên truyền cho tôi đi về theo hành trình của người Bồ, làm thầy cho họ, dẫn họ đến sự cứu rỗi. Tôi cũng nói rằng ngay khi về tới Macao, tôi sẽ đệ đơn xin trở lại đây, ở hẳn Tunquim để phò chúa, và đó là niềm cực kỳ hân hạnh cho tôi, kẻ đã đến đây, rong ruổi trên mảnh đất phương Đông lớn lao này, không phải là để tìm vàng bạc, mà chỉ để giảng dạy cho những ai cần hiểu những điều về trời và cho họ biết Thượng đế đích thực, là kẻ đã tạo ra trời đất. Chúa rất hài lòng về câu trả lời của tôi. Vài ngày sau chúa yêu cầu tôi đi thăm ngôi Chùa chính của chúa với sự hướng dẫn của vị Thượng tọa chủ trì (mà tôi thường hay đàm luận về đức tin của chúng tôi: có lần ông ta đã sụp lậy trước hình ảnh Đức Chúa Trời và đệ dâng lên Người một phẩm vật), chúa vời tôi về cung, mời tôi dự tiệc long trọng và hỏi nhiều câu về toán học, liên quan đến trái đất, rồi lại khẩn khoản mời tôi nhất định phải trở lại xứ này năm sau, ngài ban cho tôi giấy phép để ở bất cứ nơi nào mà không phải trả phí tổn gì cả. Thế tử, con cả của chúa, người sẽ kế vị, cũng cho tôi một giấy phép tương tự, cũng như bà chính phi, mẹ ông, cho tôi nhiều quà». Câu: «người tu hành Đàng Ngoài chẳng biết ăn nói, chẳng biết suy nghĩ, sống như con vật và ông đã khẩn khoản cầu tôi ở lại dạy họ», như trên đã nói, là lời xác nhận đầu tiên việc: các sư người Việt «sống như con vật», chẳng biết gì, xin các cha cố ở lại để dạy họ. Cristoforo Borri trước đó (xem chương 3, phần 4) không dám viết như thế, ông chỉ trình bày xuyên tạc tiểu sử và học thuyết của Thích Ca mà thôi. Trong thời gian Baldinotti ở lại Đàng Ngoài, không có thiên thực (éclipse) xẩy ra; nhưng theo các giáo sĩ khác, Đàng Ngoài cũng đón tiếp thiên thực long trọng như Đàng Trong. Baldinotti cho rằng chúa Trịnh Tráng đã dò hỏi và biết ông giỏi chiêm tinh và toán học nên mời ông ở lại Thăng Long để dạy vị hoạn quan quý tộc. Vậy việc «xin được giáo hóa» ở đây, bắt đầu bằng địa hạt chiêm tinh, rồi tới địa hạt tôn giáo. Baldinotti chưa biết chữ onsaij mà các giáo sĩ ở Đàng Trong thường dùng, nên ông dùng chữ thầy tu. Tuy nhiên, sau đó, ông nói rõ đây là nhà sư (le bonze) chủ trì ngôi Chùa chính của chúa [nguyên bản: son Pagode principal, sẽ giải thích ở dưới], vậy người này phải là một vị thượng tọa. Sự miệt thị các nhà sư đạt đỉnh cao với câu: "người tu hành Đàng Ngoài chẳng biết ăn nói, chẳng biết suy nghĩ, sống như con vật" được đưa vào miệng vị thượng tọa này khi nói về các đồng nghiệp của mình. Bản phúc trình của Baldinotti chính là văn bản đầu tiên xướng lên việc người Việt xin được «giáo hóa», để làm chính nghiã cho cuộc truyền giáo, từ thế kỷ XVII. Sang thế kỷ XIX, chính phủ Pháp sẽ lấy lại chính nghiã này để xâm lăng Việt Nam. Baldinotti còn cho biết: Vì đi cùng với người Bồ (với nhiệm vụ tuyên uý) nên không thể ở lại kinh đô, dù chúa Trịnh mong muốn. Và ông hứa khi về tới Macao sẽ đệ đơn xin trở lại đây, ở hẳn Tunquim để phò chúa. Rồi ông kể tiếp: chúa sai vị Thượng tọa chủ trì dẫn ông vào thăm Chùa chính (Pagode principal) của chúa; vị đại sư này đã có lần sụp lậy trước hình ảnh Đức Chúa Trời. Tất cả những điều kể trong đoạn này đều đồng quy về một mối: mô tả sự kém cỏi của tầng lớp quý tộc, sự dốt nát của các nhà sư, và sự «thần phục» đạo Chúa của vị thượng tọa trong triều. Cũng xin nói qua về chữ Pagode được dùng ở đây. Chữ này có gốc Bồ Đào Nha. Trong bản tiếng Ý, Baldinotti ghi Pagode, Mario Carti dịch sang tiếng Pháp là Le Pagode, nhưng tiếng Pháp chỉ có La pagode nghiã là Chùa. Vậy Le pagode ở đây không phải là chùa, mà có thể là đền, nhưng đền đã có chữ le temple, tại sao không dùng? Chúng tôi đoán rằng Mario Carti đã tạo ra chữ le Pagode để chỉ chung các thực thể: đền, chùa, Phật, đạo Phật, đền thờ Phật, mà Baldinotti không phân biệt rõ ràng. Vì thế, từ đây, chúng tôi để nguyên chữ Pagode, và ghi nghiã phù hợp trong ngoặc kép, bên cạnh.
3- Bà chính phi bị quỷ ám «Bà chính phi bị Quỷ ám mỗi đêm, bà nói: nếu tôi [Baldinotti] bảo đảm được rằng: bà theo đạo thì mỗi đêm con quỷ sẽ sợ, không dám đến quấy nhiễu bà nữa, bà sẽ theo đạo. Tôi trả lời rằng: tôi tin thánh Chúa, tôi hy vọng nếu bà theo đạo, con quỷ sẽ không dám sách nhiễu, nó sẽ trốn khỏi bà, như nó đã trốn khỏi những người công giáo thuận thành, vì nó rất sợ, và tôi sẽ hướng bà theo hầu Thượng đế đích thực. Người thuyền trưởng kể lại cho tôi rằng từ khi bà đeo chuỗi tràng hạt quanh cổ, thì bà hết bị quỷ ám. Nhưng con quỷ, tức giận vì bị đuổi khỏi xứ nầy, nó đã thấy ló dạng sứ mệnh truyền giáo, nên nhất quyết chống lại, qua một người Maure[4], tên này rêu rao nói xấu người Bồ bằng đủ loại vu cáo, như họ được gửi đến đây để làm gián điệp cho chúa Đàng Trong, kẻ thù của chúa [Trịnh Tráng] và vị thuyền trưởng đã được trả một món tiền lớn bằng denier[5]. Với những lời lẽ bịa đặt này, tên Maure tìm cách trả thù mấy người Bồ mà y có chuyện lộn xộn, hoặc để chiếm những đồ vật của họ mà y đang giữ trong tay, nếu họ bị đuổi như gián điệp hoặc như những kẻ bất lương. Chúa không để tâm đến những lời nói xấu này, nhờ những bài điều trần mà chúng tôi viết tâu chúa để biện hộ và cũng nhờ lời tâu về chúng tôi của một người thân thích với chúa, đã quen với người Bồ trước đó. Tuy vậy, chúa cũng không hoàn toàn an tâm, và muốn chúng tôi phải thề rằng sẽ không đi Đàng Trong và không giúp kẻ thù của ông, mà phải luôn luôn trung thành và là bạn của ông.» Bà chính phi nói đến ở đây, là bà mẹ của Thế tử, con cả của chúa, người sẽ kế vị, tức là bà Trần Thị Ngọc Đài. Chúa Trịnh Tráng có hai chính phi: Trần Thị Ngọc Đài, cưới trước. Khoảng 1600, trở đi, khi Nguyễn Hoàng đã trở về Nam, để yên mặt Bắc, ông gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Tú cho con trai Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Ngọc Tú cũng là chính phi. Vậy bà chính phi bị "quỷ ám" ở đây, chắc là Trần Thị Ngọc Đài, mẹ Trịnh Căn, con thứ tư, sẽ lên nối ngôi Trịnh Tráng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm việc bà chính phi bị "quỷ ám", cùng với sự hiện diện của các "phép lạ", qua lời vị giáo sĩ này, sẽ trở thành quen thuộc và được kể lại trong các bản ký sự khác nhau của các giáo sĩ, đặc biệt Alexandre de Rhodes: họ chỉ cần giơ cây thánh giá ra trước mặt người bị "quỷ ám", là quỷ sợ, trốn biệt. Chính những "phép lạ" này làm cho các giáo sĩ trở thành phù thủy, đồng thời xác định sự mâu thuẫn sâu xa trong lập luận của họ: Một mặt, tố cáo người dân bản xứ tin dị đoan ma quỷ, một mặt chính các giáo sĩ đem ma quỷ ra hù dọa để người ta sợ mà theo đạo, như trường hợp bà "chính phi" kể ở trên. Đoạn văn này cũng cho biết sự tranh chấp khốc liệt giữa những người Âu ở kinh đô: họ tìm đủ cách chiếm lòng tin của chúa, để được ở lại, và đuổi đối thủ ra khỏi Thăng Long.
4- Lễ thề «Để làm lễ thề này, họ dẫn chúng tôi đến một căn thờ phụ của một trong những Pagode [Đền] của chúa, theo sau rất đông quần chúng. Một chiếc bình được đặt lên bàn trong phòng lễ, họ đổ rượu vang (vin) và nước vào. Họ dùng xẻng sắt, và mũi kiếm, để chạm vào bình. Sau khi đốt miếng giấy có ghi lời thề, họ để rơi xuống bàn và dập tắt lửa bằng cách nhỏ lên vài giọt máu gà vừa cắt tiết, giấy tan thành vụn. Họ chỉ làm như thế, không có lễ nghi nào khác dành cho Pagode [Phật]. Mọi người đứng xung quanh bàn. Sau đó, họ bắt chúng tôi thề trước Pagode [Phật], trước bàn thờ và những cành nho vàng (les vignes dorées) cắm trên bàn thờ, thề rằng chúng tôi quyết tuân thủ lời thề [đã ghi trong giấy] và uống hết rượu vang này. Lúc bấy giờ tôi mới bày ra một tấm hình lớn của Chúa Cứu Thế, vì đã đoán trước mọi việc sẽ xẩy ra, nên tôi ngầm mang theo, tôi quỳ gối trước tấm hình này và nói rằng tôi không muốn thề trước bất cứ thần thánh nào, không phải là Đức Chúa của tôi, có hình ảnh trước mắt đây, vì chỉ Người mới là Đức Chúa có thẩm quyền để trị tội những kẻ bội thề. Viên hoạn quan, rất quyền thế trong triều, người thay thế chúa trong thánh lễ này, không chấp nhận việc thề như thế, và muốn tôi phải thề trước Pagode [ông Phật] này. Tôi cố gắng giải thích với ông ta rằng, tập tục của tất cả mọi nước trên thế giới là ai thề trước Thánh thần của người nấy, và để cho người Bồ thề trước Chúa Cứu Thế của họ, vẫn có lợi hơn là bắt họ phải thề với Pagode [Phật] thì cũng như không, bởi họ chẳng sợ gì. Vị hoạn quan vẫn không bằng lòng, tôi nài nỉ ông báo cho chúa biết quyết định của chúng tôi (ông sai thị đồng đi ngay) và chúng tôi sẵn sàng chịu chết, chứ không chịu thề như thế, không phải vì chống lại lệnh chúa mà vì không chịu nhìn nhận một vị thánh không phải là thánh. Chúa, với tính thận trọng, hiểu ngay mọi sự, và gửi người tới bảo chúng tôi có thể thề theo lối đạo Gia Tô như chúng tôi muốn. Lúc đó tôi quay lưng lại Pagode [tượng Phật] và trước mặt tôi có ảnh Chúa Cứu Thế, tôi quỳ xuống, hai tay đặt lên hình, to giọng phản đối rằng: tôi không thề trước thánh của Đông Kinh và bất cứ thánh nào khác, bởi vì tất cả đều giả; mà tôi chỉ thề trước hình ảnh Chúa Cứu Thế, đích thực tạo ra trời đất, và thề rằng Người sẽ vật tôi chết, bằng nước, bằng lửa, bằng súng ống, với những hình phạt nặng nề nhất có thể mường tượng được, nếu tôi phản bội lời thề. Cũng theo cách đó, thày Giulio, người thuyền trưởng và tất cả những người Bồ khác đều thề như thế. Người ngoại đạo đến xem rất bằng lòng vì buổi lễ thề hôm đó, duy có chúng tôi chỉ được toại nguyện một nửa, nửa kia cảm thấy đau đớn vì đã mất một cơ hội hiến thân mình để vinh danh Chúa Trời, Người đã hiến đời mình để cứu rỗi chúng ta. Lời thề này làm cho chúa hết nghi ngờ và ông lại cấp quà, đồ giải lao, và đặc quyền cho chúng tôi lên bờ và giữ chúng tôi ở lại vài tháng nữa, quá thời hạn cần thiết, chỉ vì sợ chúng tôi lại vào Đàng Trong.» Màn lễ thề này có nhiều chi tiết lạ lùng, không hiểu sự thật xẩy ra thế nào? - Thề với tiết gà. Người Việt không thề với tiết gà. - Thề bằng rượu vang. Người Việt không có rượu vang (vin) mà chỉ có rượu gạo (alcool de riz) màu trắng. Người Âu dùng rượu vang màu đỏ để biểu dương máu của Chúa, gợi sự thiêng liêng cho lời thề. Nếu dùng rượu ta, màu trắng, thì không có ý nghiã gì cả. - Nước Việt lúc đó chưa có cây nho, nên không biết là nho như thế nào, mà dùng làm biểu tượng. Vì vậy, trên bàn thờ, dù thờ Phật hay thờ Thánh, cũng không có lá nho vàng. - Trong đoạn này sự lầm lộn giữa Phật và Thánh rất đậm nét: chữ pagode được dùng liên tục ở đây, ý nói lễ thề này được tổ chức trong chùa [của chúa]. Nhưng Baldinotti không biết rằng ở Việt Nam, không ai thề trong chùa và giết gà trong chùa, để thề cả, bởi đạo Phật không sát sinh. Tuy nhiên đoạn này có một điểm đáng chú ý là việc cả «phái đoàn giáo sĩ» phải thề không được vào Đàng Trong, chứng tỏ chúa Trịnh Tráng không muốn các giáo sĩ làm «gián điệp» cho chúa Sãi, nên ta có thể suy ra: chiến tranh cũng là một trong những động cơ dẫn đến sự cấm đạo.
5- Sứ mệnh tìm thông tin về Đàng Ngoài cho Bề trên «Tuy nhiên khi bị giữ lại như thế, tôi [Baldinotti] lại dễ dàng tìm kiếm những thông tin, đúng như bề trên đã giao cho, về một số vấn đề của vương quốc này. Vương quốc tên Tunquim (Đông Kinh) cũng là tên thành phố chúa ở. Phía bắc giáp với Trung Hoa, miền nam giáp Đàng Trong, tây giáp xứ Lai (Lào) và đông giáp biển Trung Hoa (biển Đông). Nước này rộng một trăm dặm [147km8] vuông. Có nhiều sông lớn chảy qua và phần lớn là đồng bằng; thực phẩm dồi dào, như gạo, thịt thú rừng và gia súc, chim chóc, có nhiều hoa quả giống như ở Trung Hoa. Nhưng với đất đai mầu mỡ như thế, mà lương thực cũng không rẻ lắm, bởi vì dân cư đông đúc. Người dân ở vương quốc này mê muội thần thánh; một số theo ma thuật của người Chaldée; một số khác tin tử vi; một số khác nữa theo môn phái Xích thể tiên (Gymnosophiste)[6] của Ấn độ, và rất nhiều người là môn đồ của một đạo sĩ trong xứ, gọi là Zinum [?] họ dâng nhiều lễ vật vì sợ. Họ kể rằng đầu ông đạo sĩ này, bị chặt, có phép làm khô héo cây cỏ, ung thối vườn tược và giết hại những súc vật mà đầu ông nhìn thấy. Người ta giữ cái thủ cấp này ở chỗ ngày trước vị đạo sĩ sinh ra, cách triều đình bốn ngày đường, nơi con cháu ông ta cư ngụ. Một số người khác lại khăng khít trung thành với Pagode [Phật] đã nói ở trên. Nói chung, họ ít đam mê thờ phụng ở nhà chùa (mà chỉ đến cầu hạnh phúc ở đời), hoặc do bởi họ thông minh, biết rõ sự giả trá của bè lũ này, hoặc vì thiếu sư tăng đáng trọng, bởi vì lũ này không rành chữ, là những kẻ ghê tởm nhất, không đủ khả năng thuyết phục.[7] Hoặc họ chỉ thích đánh nhau; luyện tập pháo binh, kỵ binh, rất giỏi. Họ có nước da trắng, cao ráo, mạnh mẽ, và can đảm. Y phục của họ là thứ áo mở khuy đằng trước, dài tới nửa ống chân. Họ để tóc dài và đội khăn».
Đoạn văn trên đây Baldinotti mô tả sinh hoạt tôn giáo ở Đàng Ngoài, nhưng khó tìm thấy nét nào về đời sống tôn giáo Việt Nam. Trong chương trước, ta đã thấy Borri hiểu sai hoạc cố tình xuyên tạc lý thuyết Phật giáo như thế nào, qua trình độ của một học giả. Ở đây, với Baldinotti là sự hiểu lầm thô thiển của một giáo sĩ trình độ thấp hơn: - Người Việt nào theo ma thuật của người Chaldée? Chaldée xa lắm, là tên thành phố Babylone, thế kỷ VIII, trước Tây Lịch. - Môn phái Xích thể tiên (Gymnosophiste) của Ấn độ, tu khoả thân, tham thiền, khổ hạnh. Có ai nhìn thấy người Việt tu khoả thân bao giờ? - Và có ai thấy người Việt thờ thủ cấp của một đạo sĩ, tên là Zinum [?] Tất cả những điều hàm hồ bịa đặt này, dẫn Baldinotti đến kết luận: dân chúng Đàng Ngoài tin theo những đạo kinh khủng, họ ít đam mê đạo Phật, ở đây sự miệt thị đạo Phật lên đến đỉnh điểm, bởi vì họ "biết rõ sự giả trá của bè lũ [sư tăng] này, hoặc vì thiếu sư tăng đáng trọng, bởi vì lũ này không rành chữ, và là những kẻ ghê tởm nhất, không đủ khả năng thuyết phục". Như vậy, sau khi đưa ra các hình thức giáo phái rùng rợn, không tưởng, đòn mạnh nhất vẫn đánh vào đạo Phật. Borri và Baldinotti, là hai người đầu tiên, rồi tới Alexandre de Rhodes và những người khác, trong ký sự, đều chứng minh sự "mọi rợ, thấp kém" trong đời sống tôn giáo của người dân Đàng Trong, Đàng Ngoài, với mục đích khẩn cầu Roma gửi ngay các giáo sĩ đến "giáo hóa" dân tộc này.
6- Sức mạnh quân sự của Đàng Ngoài «Lính đeo gươm và mã tấu ở thắt lưng. Đó là những người dễ cảm, uốn nắn được, trung thành, vui vẻ, không có những thói xấu của người Hoa hay người Nhật. Dân đen hay ăn cắp, vì thế, kẻ cắp, cũng như kẻ ngoại tình, bị xử tử. Chúa Đông Kinh là chúa tể chín vương quốc, ba vua phải đóng thuế cho ông, là vua Lào, chúa Đàng Trong và vua Bau [họ Mạc ở Cao Bằng]. Còn ông phải thần phục vua Tàu, mỗi năm, phải gửi ba tượng vàng và ba tượng bạc sang cống hiến. Ông có độ hai triệu lợi tức[8], và trong tình trạng khẩn cấp, ông có thể vận dụng đại quân đi chinh chiến, bởi vì có tới sáu trăm quan đại thần, người thì một ngàn, người thì hai ngàn quân, do họ chi phí, bắt buộc xung vào chiến dịch, tới hết chiến tranh. Những vị đại thần này sở hữu hai hay ba thái ấp lớn chúa cho khai thác. Chúa có bốn nghìn chiến thuyền (galères) đóng ở các nơi khác nhau, mỗi chiến thuyền có hai mươi sáu tay chèo mỗi bên. Những chiến thuyền này, hầu như tất cả đều có đầu tầu mạ vàng rất đẹp, mỗi khi đi tuần phòng, mang theo, ngoài những khí giới pháo binh khác, còn có một súng đại bác 14 livres. Một lần tôi đã được xem năm trăm chiến thuyền hội tụ trong buổi lễ kỵ tiên đế [Trịnh Tùng], ông này, những năm trước đã bị người con út [Trịnh Xuân] ám sát, vì muốn tiếm ngôi; và [Xuân] đã bị người anh cả [Trịnh Tráng] giết, đó là vị chúa đang trị vì, người nối dõi đích thực và kế nghiệp ngai vàng. Chúa rất hiếu chiến, ông tập dượt bắn cung, phi ngựa và cưỡi voi. Ông có nhiều ngựa đẹp. Ông thích múa chiến thuyền (danser les galères), làm chúng bơi lướt trên mặt nước theo nhiều cách, quay ngược, quay xuôi theo nhịp gõ».
Ngoài những dòng viết sai về lịch sử, Baldinotti cho biết sơ lược sức mạnh của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài: với bốn nghìn chiến thuyền lớn đóng rải rác nhiều nơi. Khi chiến tranh, chúa chiêu mộ đại binh, nhờ sáu trăm quan đại thần, mỗi người có thể cung cấp từ 1000 đến 2000 chiến binh, do họ đài thọ, chúa không phải trợ cấp gì. Chúa Đàng Ngoài được ba vương quốc triều cống là nước Lào, Đàng Trong và nước Bua (họ Mạc ở Cao Bằng). Theo lời Baldinotti thì Đàng Ngoài có sức mạnh lớn gấp bốn lần Đàng Trong, và de Rhodes cũng có ý kiến tương tự. Tuy nhiên Đàng Ngoài đánh nhau với Đàng Trong lần nào cũng thua.
7- Vị trí của Đông Kinh «Thủ đô, ở dưới vĩ độ hai mươi mốt, vào giữa tháng sáu, khi không có gió, trời nóng lắm. Thủ đô không có tường, không có thành luỹ bao bọc. Trừ phủ chúa được lợp ngói và xây bằng những tảng [đá?] lớn, đẽo gọt kỹ; những ngôi nhà khác, làm bằng thứ lau sậy bản xứ, to như thân cây, người ta gọi là tre, trên phủ mái gianh, và không có cửa sổ. Trong thành phố có nhiều đầm nước mặn, tiện việc chữa cháy khi hoả hoạn, có những vụ cháy thiêu trụi năm, sáu nghìn nóc nhà, mà chỉ bốn, năm ngày sau là họ dựng lại được. Thành phố này chu vi năm, sáu dặm, mà dân chúng thì đông vô kể. Có con sông lớn [sông Hồng] thuyền bè đi lại được, chảy mười tám dặm ra tới biển. Nước sông đục lắm, nhưng mọi người đều uống, vì trong thành phố không có máy nước, không có giếng, không có bể chứa nước mưa. Con sông này dâng nước hai lần trong một năm, đầu tháng sáu và đầu tháng mười một, làm lụt nửa thành phố, nhưng lại rút ngay. Đó là những gì tôi có thể nói về vương quốc Đông Kinh. Bởi gió nam đã ngừng thổi, chúng tôi rời thành phố ngày 18-8 [1626], được hai chiến thuyền của chúa hộ tống tới biển. Sau bữa tiệc rất lớn, tiễn tôi, thày Giulio, thuyền trưởng và người Bồ, chúa còn tặng nhiều quà và cho chúng tôi xem kho tàng quý giá của ông. Nhờ ơn trên, chúng tôi cập bến Macao vô sự, ngày 16-9. Thánh Chúa vui lòng mở đường cho sứ mạng truyền giáo mới, để chúng tôi có thể theo con đường này đến nước Tàu (theo lời một số người Nhật, đã vào nước Tàu, bằng đường này, nói với tôi, là rất dễ dàng, nếu đi qua vương quốc Kaidun [?], ở Tàu, chỉ cách Đông Kinh có bốn ngày đường). Lại cũng tiện để đi đến vương quốc Lai [Lào], mà người Lai, như tôi đã nói, ở cạnh người Đông Kinh, cũng là một dân tộc sẵn sàng theo đạo Chúa của chúng ta, như lời cha A. de Rhodes đã đến đấy giảng đạo; và chúng tôi mong mỏi ơn trên độ trì, cho đạo Chúa được trồng sâu vào cả vương quốc lớn Đông Kinh, lẫn vương quốc Lai, để cứu vớt vô vàn linh hồn khỏi bị Quỷ ám, trước khi bị ác giáo của người Hồi xâm phạm. Viết tại Macao ngày 12-11-1626. Trình cha đỡ đầu. Đứa con không xứng đáng là kẻ hầu cận của cha. G. Baldinotti» Là người đầu tiên được gửi đến Thăng Long, Baldinotti thực hiện nhiệm vụ của một giáo sĩ, với sứ mệnh thăm dò tình hình địa lý, chính trị của Đàng Ngoài để trình về Roma, nhiệm vụ này, thấy rõ trong nội dung bài viết trên đây, và sau này, khi đọc những bản tường trình khác, ta cũng thấy hiển hiện, Alexandre de Rhodes còn viết cả một cuốn sách về Đàng Ngoài. Baldinotti mô tả quân đội của chúa Trịnh với những con số rõ ràng và cách tuyển mộ quân sĩ của nhà Chúa khi có chiến tranh. Nhưng điều quan trọng ở đây đối với Giáo hội La Mã là ông tìm ra con đường truyền giáo thuận tiện từ Thăng Long sang Trung Hoa và Lào, để cứu vớt vô vàn linh hồn khỏi bị Quỷ ám, trước khi bị ác giáo của người Hồi xâm phạm, tức là để cạnh tranh với đạo Hồi, cũng có thể để bí mật làm môi giới cho một chính sách xâm chiếm thuộc địa. Cũng như Borri, Baldinotti xác định nhiệm vụ «dạy dỗ» của các giáo sĩ, ngay từ đầu. Nhưng vì không thể «dạy dỗ» một dân tộc có trình độ tư tưởng cao hơn mình, nên ông phải hạ «nó» họ xuống hàng ngu muội, tăm tối, thờ cúng ma quỷ, để có cớ đến dậy dỗ. Vậy ta có thể hiểu đó là đường lối chung mà La Mã đề ra cho các giáo sĩ, về sứ mệnh «khai hoá» của họ.
Alexandre de Rhodes viết về Baldinotti Alexandre de Rhodes trong Du hành và truyền giáo[9], kể lại câu chuyện về Baldinotti như sau: «Tôi ở Đàng Trong khoảng mười tám tháng, hoàn toàn mãn nguyện được thấy đàn con của Chúa ngày càng tăng trưởng, khi cha Julien Baldinotti, tu sĩ Dòng Tên, được Macao gửi đến vương quốc mới, không một ai trong chúng tôi từng đến đó bao giờ, bởi vì các cha bề trên chỉ nhắm vào Nhật Bản: Đó là vương quốc Đông Kinh, nơi cha Baldinotti đã đáp tầu đến hồi tháng 3-1626. Ông cha tốt bụng, lòng đầy hăng hái, cực kỳ khó chịu vì bị bắt buộc phải câm lặng trước vận hội tốt đẹp này vì không biết tiếng, nên không thể nghe và nói được. Ông có gặp chúa, dâng quà cáp và được triều đình đón tiếp (...) Ông hết sức hối tiếc vì đã không học tiếng nước này để có thể xây dựng đạo Chúa trên mảnh đất sẵn sàng chờ đón. Ông đành chỉ rửa tội được cho bốn đứa trẻ sắp chết; đó là bốn con chiên đầu tiên, như bốn luật sư biện hộ cho quyền lợi của nước họ trước ngôi cao của Chúa. Ông cha hiền lành này, vì không biết tiếng nói, thấy mình vô ích trước sứ mệnh lớn lao, nên đã viết nhiều thư khẩn cấp cho các cha ở Đàng Trong, van xin họ rủ lòng thương xót một dân tộc lớn bị lạc lối vì thiếu người kéo khỏi vòng tội lỗi, đưa họ về con đường chính đạo. Ông vừa viết thư vừa đích thân trở về Macao cầu khẩn [bề trên] gửi ngay một người có thể khuất phục được Đàng Ngoài (quelqu'un qui suit se faire entendre dans le Tonkin). Với lòng tốt vô biên, Thượng đế đã trao sứ mệnh này cho tôi, bởi vì hiện thời, Đàng Trong ít cần đến tôi. Nhờ đã học tiếng [Việt] nên tôi được chọn đi chiến đấu những sùng bái mê muội ở Đàng Ngoài, với khí giới của Jésus-Christ. Tôi tràn đầy hạnh phúc lãnh trách nhiệm này, sẵn sàng tới bất cứ nơi nào. Nhưng lúc ấy đi thẳng từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài rất nguy hiểm vì hai vương quốc [sắp] đánh nhau, và nếu biết tôi từ đất địch sang, chúa Đàng Ngoài sẽ hết sức ngờ vực. Nên tôi bắt buộc phải trở về Macao, và tôi đã rời Đàng Trong tháng 7 năm 1626."[10]
Lời Alexandre de Rhodes trích dẫn trên đây, khác hẳn lời Baldinotti viết trong Bài phúc trình gửi cho Giáo trưởng Dòng Tên ở La Mã, mà ta vừa đọc, đặc biệt ở hai điểm: 1- Baldinotti không hề nói ông bị trở ngại vì không biết tiếng Việt, bởi vì ông đã có thày giảng Giulio Piani, người Nhật, biết tiếng Việt, làm thông ngôn đi kèm. 2- Baldinotti viết: "Ngay khi về tới Macao, tôi sẽ đệ đơn xin trở lại đây, ở hẳn Tunquim để phò chúa" thì không có lý do gì ông lại "nhường" nhiệm vụ này cho người khác. De Rhodes viết trái ngược hẳn: - "Vì không biết tiếng nói, thấy mình vô ích trước sứ mệnh lớn lao, nên [Baldinotti] đã viết nhiều thư khẩn cấp cho các cha ở Đàng Trong, van xin họ rủ lòng thương xót một dân tộc lớn bị lạc lối vì thiếu người kéo khỏi vòng tội lỗi, đưa họ về con đường chính đạo. Ông vừa viết thư vừa đích thân trở về Macao cầu khẩn [bề trên] gửi ngay một người có khả năng khắc phục được Đàng Ngoài"[11]. - "Thượng đế đã trao sứ mệnh này cho tôi [de Rhodes] bởi vì hiện thời, Đàng Trong ít cần đến tôi. Nhờ đã học tiếng [Việt] nên tôi được chọn đi chiến đấu những sùng bái mê muội ở Đàng Ngoài, với khí giới của Jésus-Christ".[12]
Xem lại hành trình của Baldinotti và de Rhodes, ta thấy họ có gặp nhau ở Macao: - Baldinotti và Giulio Piani rời Thăng Long ngày 18-8-1626, về đến Macao ngày 16-9-1626 và Baldinotti viết thư tường trình gửi Bề trên ở La Mã ngày 12-11-1626. - De Rhodes rời Đàng Trong tháng 7-1626[13] cùng với cha Pedro Marques, không rõ họ đến Macao ngày nào, nhưng chắc hẳn trong vòng tháng 8-1626. Ngày 12-3-1627, cha Pedro Marques và de Rhodes rời Macao để đi Đàng Ngoài[14]. Cha Marques là trưởng phái đoàn truyền giáo, có nhiệm vụ mang quà của cha Bề trên Macao tặng chúa Trịnh Tráng, nhưng de Rhodes hầu như không nhắc đến tên Pedro Marques, trong cả cuốn Du hành và truyền giáo, và coi chuyến đi này là sứ mệnh mà Thượng Đế trao cho ông; nhờ đã học tiếng [Việt] nên được chọn đi chiến đấu những sùng bái mê muội ở Đàng Ngoài, với khí giới của Jésus-Christ. Còn câu chuyện: Baldinotti không biết tiếng Việt nên đã viết thư vào Đàng Trong khẩn khoản xin các cha Đàng Trong gửi một người biết tiếng Việt, đến Đàng Ngoài thay thế ông để truyền giáo; và de Rhodes biết tiếng Việt nên được gửi đi thay, được tung ra, sau khi Baldinotti qua đời năm 1630, thoại này sẽ được các giáo sĩ Pháp chép lại trong sách đời sau. Baldinotti, người Ý, sau khi qua đời, bị de Rhodes hạ bệ bằng cách «kể lại» việc ông không biết tiếng Việt nên viết thư khẩn khoản xin Đàng Trong gửi người gỉỏi tiếng Việt ra Bắc. Tuy nhiên việc này không thấy Baldinotti nói đến trong ký sự, nên có thể hiểu, nó nằm trong chương trình «cướp công» truyền giáo của giáo sĩ Pháp đối với các đồng nghiệp Ý và Bồ, những năm đầu ở Đại Việt. Vây sự tranh chấp «chỗ ngồi» trong việc truyền giáo, có chứng tích từ đây: các giáo sĩ không ngần ngại dùng nhũng thủ đoạn gian dối để chiếm chỗ của nhau. Tất cả những sự gian dối này sẽ được giới thừa sai tung hoành để đổ tội cho vua Tự Đức «tàn sát giáo dân» như ta sẽ thấy, sau này. (Còn tiếp) [1] Trần Trong Kim tóm tắt tình thế ấy như sau: Năm 1599, sau khi thông sứ với nhà Minh và nhường đất Cao Bằng cho họ Mạc, trong nước đã yên, Trịnh Tùng bèn tự xưng làm Đô-nguyên-súy, Tổng-quốc-chính, Thượng phụ Bình An Vương, cấp bổng cho vua được thu thuế 1000 xã, và cấp cho 5000 lính để làm quân túc vệ. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân đều thuộc về quyền họ Trịnh. Chỉ khi thiết triều hay tiếp sứ mới cần đến vua. Giả sử Trịnh Tùng có muốn dứt nhà Lê mà lên làm vua, thì cũng không khó gì. Tuy vậy Trịnh Tùng không dám làm là tại sao? Tại phía bắc sợ có nhà Minh sinh sự. Họ Mạc vẫn ở Cao Bằng. Mặt nam còn có họ Nguyễn. "Chi bằng không lấy nước cũng như lấy nước, không làm vua mà lại hơn vua. Và bao giờ có phải đi đánh dẹp nơi nào, vẫn lấy lịnh thiên tử mà sai khiến mọi người, không ai bắt bẻ gì được.(Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Quyển hạ, in lần thứ hai, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1928, trang 27-28)." [2] Chúng tôi dịch chữ galiote là Thuyền buồm kiểu Hòa Lan, hai đầu mũi tròn. [3] Baldinotti người Ý, hẳn ông dùng dặm La Mã, tương đương với 1km478. Vậy 18 dặm là 26 km 604. [4] Maure là người dân ở miền Mauritanie, Bắc Phi. [5] Denier: Tiền thời La Mã và Pháp xưa. [6] Môn phái Xích thể tiên, gốc Ấn Độ, tu khoả thân, tham thiền, khổ hạnh. [7] Câu: Họ ít đam mê thờ phụng ở chùa, hoặc do bởi họ thông minh, biết rõ sự giả trá của bè lũ này, hoặc vì thiếu sư tăng đáng trọng, bởi vì lũ này không rành chữ, và là những kẻ ghê tởm nhất, không đủ khả năng thuyết phục" Nguyên văn tiếng Pháp như sau: "Ils sont tous peu adonnés au culte des pagodes, soit parce qu'étant intelligents, ils connaissent la fausseté de toute cette engeance, soit faute de bonzes convenables, car ceux-ci ne faisant pas profession de lettres et étant des plus sordides, ne sont pas aptes à persuader" (Notes et Mélanges (Ghi chú và Tạp bút), Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient, tome III, 1903, trang 77). [8] Không nói rõ tiền gì, nhưng chắc là tiền quan. [9] Voyages et missions du père Alexandre de Rhodes (Du hành và truyền giáo), Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854. [10] Du hành và truyền giáo, trang 95-97. [11] Du hành và truyền giáo, trang 96. [12] Du hành và truyền giáo, trang 97. [13] Du hành và truyền giáo, trang 97. [14] Du hành và truyền giáo, trang 109.
© 2024 Thụy Khuê |