Thơ Bùi Chát
Sau mười năm bỏ thơ làm xuất bản và vẽ tranh, Chúng ta đang trôi đi đâu? đánh dấu ngày trở lại với thơ của Bùi Chát. Bài đầu tiên Heo, lợn & thơ, chẳng phải thơ mà là một tiểu luận thời thế về một xứ có hai miền với một con vật được gọi bằng hai tên lợn và heo; điểm này còn có thể gọi là sự biến đổi ngôn ngữ theo vùng miền, và cũng là một thủ pháp thi ca, bởi vì làm thơ chính là làm biến dạng ngôn ngữ. Nhưng trên vùng đất lợn & heo này, sự biến đổi chỉ có một chiều, nghiã là: Sau một phần tư thế kỷ làm chủ tập thể, nhà Lợn đã tiêu hủy từ 25 đến 30% cách dùng chữ của nhà Heo, để thay thế bằng ngôn ngữ Lợn, tỷ dụ nhà thơ Dương Tường có lần phát biểu: phải nói cơm rang không được nói cơm chiên. Tuy vậy, nhà Heo đã có một nỗ lực bảo tồn: đem ngôn ngữ của mình di tản, gieo rắc khắp địa cầu để làm báo, làm văn học, làm xuất bản... Bùi Chát viết: «Nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ của dân Heo biết đâu có thể thành công nếu không có nỗ lực phá huỷ, nói cách khác nếu không có nỗ lực làm biến đổi ngôn ngữ của nhà Lợn». Sau «nhận định sắc bén» này, tác giả trung dung kết luận: Nhưng nếu không có nhà Lợn phá, thì ngôn ngữ nhà Heo cũng tự biến đổi. Và việc biến đổi ngôn ngữ cũng là làm thơ, và anh cho rằng: Nhà thơ là người dựng tháp Babel cho mình, rồi đọc thơ là phá cái tháp ấy đi... cứ thế, cứ thế, trong hành trình sáng tạo và tái tạo. Tóm lại, Bùi Chát đã tìm hiểu câu chuyện heo, lợn, để đưa ra một định nghiã độc đáo về thơ. Từ một định nghiã về thơ như thế, ta có thể nghiệm suy cả một hành trình lịch sử: Việc nhà Heo đem chữ đi gieo rắc khắp nơi, không phải là lần đầu, và sự làm chủ của nhà Lợn, cũng phải là lần cuối. Cách đây nửa thế kỷ, giáo sư Nguyễn Văn Trung, sinh tại Hà Nam, sau năm 1975, đã soạn bộ Lục châu học để chứng minh về văn bản, sự đi trước của miền Nam về văn học quốc ngữ, và chỉ ra thủ pháp của các học giả, nhà phê bình người Bắc, như Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan... cố tình độc tôn văn học miền Bắc, để xác định nền văn học này là nguồn cội của văn học quốc ngữ, với truyện Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, in năm 1925. Thực ra, miền Nam mới là nơi đầu tiên phát xuất báo chí và tiểu thuyết quốc ngữ với Gia Định báo, từ 1865, và truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, 1887. Tuy vậy, Thầy Lazaro Phiền, và Tố Tâm, đều viết theo lối ký thác, tức là một câu chuyện được kể lại ở ngôi thứ nhất, nên chưa thể gọi là tiểu thuyết hư cấu. Năm 2008, một kẻ quê Nam Định, thuộc xứ Lợn, là tôi, đã theo chân Nguyễn Văn Trung trên con đường này để nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh và chứng minh nhà văn họ Hồ là tiểu thuyết gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, với cuốn Ai làm được, viết năm 1912, in năm 1922, ở trong Nam, với nhân vật Khiếu Nhàn, xuất hiện ở ngôi thứ ba, văn không biền ngẫu, chính là tiểu thuyết hư cấu đầu tiên của Việt Nam; chứ không phải Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, in năm 1925, ở ngoài Bắc, vẫn còn viết theo lối ký thác, mà Đạm Thủy là người kể chuyện, ở ngôi thứ nhất. Bùi Chát là thế hệ thứ ba tố cáo sự cả vú lấp miệng em này. Anh sinh tại Hố Nai, Biên Hòa, nhưng nói tiếng Bắc. Bởi vì cha mẹ là người Bắc di cư. Điểm này cho thấy, để tố cáo những ngụy tạo về văn hoá của dân Lợn, phải là dân Lợn làm, mới được. Trước đây, ông Nguyễn Văn Xuân, người Quảng Nam cũng đã làm việc này, nhưng không mấy thuyết phục, vì ông đã để lộ tính cách ganh ghét Hoàng Đạo của Tự Lực văn đoàn và công kích sự ngạo mạn của Sáng Tạo, đều là dân Lợn, bằng sự tranh chấp vùng miền, hơn là bằng lẽ phải. Nhắc lại quá khứ trên, để nói rằng, câu chuyện Heo, lợn & thơ, không ngụ ý diễu cợt, khôi hài, mà bàn những vấn đề trầm trọng, không đùa, đã kéo dài nhiều thập kỷ, bao trùm lên bản chất và sự phát triển của ngôn ngữ Việt Nam trong đó có thơ Bùi Chát. Bây giờ mời bạn đọc mấy bài. ***** Ba mặt không lời
Giữa tôi và em Giữa em và nỗi cô đơn của em Là một khoảng cách không đủ an toàn
Cho sự tồn tại thiết thực
Của ngôn ngữ Đây là một bài thơ tình mà đối tượng là ngôn ngữ, nói lên tính chất tương phản của Bùi Chát. Tính chất này, theo tôi, là chính. Bởi vì, tên bài thơ đã là một câu hỏi nghiêm trọng: Chúng ta đang trôi đi đâu!? Bùi Chát từng cho biết: anh không thích triết học, thậm chí coi thường triết học, nhưng những câu hỏi của anh, đều có tính triết lý, đó là điểm tương phản đầu tiên. Vậy trước hết, ta cần phân biệt, thế nào là triết học và thế nào là triết lý. Nếu tôi nhớ không lầm thì Nguyễn Văn Trung đã từng nhận định: Việt Nam không có triết học, chỉ có triết lý. Triết học là một hệ thống tư tưởng (của triết gia, như hệ thống triết học Khổng Tử, hệ thống triết học Hegel...), còn triết lý là những mảng ý tưởng rời, có tính cách triết lý, ai cũng có thể nghĩ ra được. Vậy, nhà văn, nhà thơ, nhà triết lý? khác nhau ở chỗ nào? Theo tôi, nhà văn, nhà thơ tìm cách mô tả hoặc diễn tả đối tượng (tình yêu, cái chết... hoặc bất cứ trạng thái nào trong đời sống: vui, buồn, yêu, ghét, căm thù...) còn nhà triết lý suy nghĩ về những đối tượng này, để tìm cách trả lời những câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu? Yêu là gì? Căm thù là gì? Tóm lại, với cùng một thực thể, văn, thơ: mô tả; triết lý: phân chất. Giải quyết xong sự khác biệt này, ta có thể đọc thơ Bùi Chát.
***** Chú thích cho một cuộc đi
Em rời bỏ tôi Vội vã như rút khỏi cuộc chiến Tôi đã sa lầy
Tình yêu ở đây được nhìn dưới góc độ lạ lùng của một «cuộc chiến», một bên bị «sa lầy». Có được nhận thức đớn đau, cay đắng, mới lạ như vậy về tình yêu, là phải suy nghĩ lung lắm, và tư tưởng này có triết lý nhúng vào, khác hẳn những câu thơ hời hợt, kiểu Xuân Diệu: Yêu là chết ở trong lòng một ít, nhại thơ Tây, hay ngây thơ kiểu Nguyên Sa: Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Bùi Chát khác hẳn, anh không diễn tả lòng mình, cũng không tìm một hình ảnh mới lạ, để so sánh người tình, với trăng này, hoa nọ, mà anh phân chất tình yêu và sự chia ly, để nhận thức rằng tình yêu đích thực là một cuộc chiến. Những câu thơ như thế, không thể ngẫu hứng mà viết được, mà phải là một từng trải, một nghiệm suy lâu dài. Bài thơ dưới đây của anh nói về hành trình «sản xuất» một câu thơ:
***** Nói với nhà thơ về thơ
Giữa dòng chữ đầu - lúc ngươi đặt bút Và dấu chấm hết. Khi tạm hài lòng Là Một khoảnh khắc Kéo dài Một Khoảng trống rỗng chiếm đoạt đời người
Từ đó thơ sinh ra Rồi Mất hút Cùng với sự biến mất của nhà thơ
Ỏ đây, Bùi Chát đưa ra một định nghiã khác về thơ, và anh còn nói cả «bí quyết» làm thơ của anh: Khoảnh khắc làm thơ là Một khoảng trống rỗng chiếm đoạt đời người, khoảnh khắc này là khoảng thời gian bị mất đi trong đời, không làm được việc gì khác, mà cũng không có cách gì cứu vãn lại được. Nhưng một khi thơ «ra» rồi, thì nhà thơ cũng biến mất, hắn trở lại trạng thái bình thường như tất cả mọi người không làm thơ. Đọc những câu thơ như thế không đơn giản tý nào, bạn phải suy nghĩ lung lắm, may ra mới hiểu được một phần tư tưởng của tác giả. Cho nên thơ Bùi Chát, gần với sự phân chất hơn là diễn tả. Tỷ dụ, dưới đây, anh viết về hai kẻ làm thơ, cùng yêu nước, nhưng không cùng một dân tộc:
***** Một hướng
Bài thơ của một người yêu nước mình Bên tập thơ của một người yêu nước khác
Họ cùng nhau
Ngồi yên
Chuyển lặng im thành im lặng
Để nhìn về thiên đường mất mát
Hai nhà thơ yêu nước, ở hai xứ khác nhau, không thể yêu chung một nước, cũng không thể thông cảm (như người Anh và người Pháp; người Việt và người Tầu), họ chỉ có thể gặp nhau trong im lặng, để cùng nhìn về một thiên đường chung là sự mất mát. Bởi vì chỉ có mất mát mới là của chung của mỗi dân tộc, của cả nhân loại. Nói khác đi, hai người ở hai nước không thể cùng yêu một nước, ai yêu nước của người ấy, vậy không thể đồng tâm, mà chỉ có thể đồng cảnh: nước nào cũng có thiên đường là sự mất mát, đổ vỡ, chung nhau, có thể chia cho nhau được: Thơ Bùi Chát không đem đến một nguồn an ủi nào. Và dưới đây, trong bài Cốt lõi, anh vẽ lại thủ pháp làm thơ theo một con đường cực kỳ phi lý:
***** Cốt lõi
Không phải cảm xúc Mà chính là ngôn ngữ Sinh ra thơ Sinh ra tư tưởng Sinh ra ngôn ngữ Và sinh ra cảm xúc thơ
Ở đây, Bùi Chát phác họa quỹ đạo tròn của thơ: để phản bác quan niệm cho rằng thơ là do cảm xúc mà thành. Quan niệm này chỉ đúng với một số nhà thơ, nhất là những nhà thơ lãng mạn. Ở Bùi Chát, một nhà thơ khác người, cần một định nghiã khác. Anh cho rằng: ngôn ngữ sinh ra thơ, điều này không sai, vì không có chữ thì làm gì có thơ, rồi từ thơ, người ta mới đọc được tư tưởng của nhà thơ. Và khi đã có tư tưởng, người ta mới tìm chữ để diễn tả tư tưởng, bấy giờ câu thơ mới ra đời, và sẽ được gọi là cảm xúc thơ. Vòng tròn luẩn quẩn này, tương tự như vòng tròn mà tôi gọi là vòng tương sinh trong Xuân Thu Nhã Tập (1942), nhóm này đã chấp nhận rằng rung động là nguồn cội của thơ, và họ vẽ vòng tròn để biểu dương quỹ đạo sáng tạo thơ: Rung động-Thơ-Đạo-Âm Dương-Sáng tạo-Rung động[1]. Thời đó, mọi người đều tin như vậy, vì đó là thời lãng mạn, nhưng đến các thời kỳ sau, những người làm thơ mới hơn, như Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần ở Bắc hay Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, trong Nam, đều không viết gì về việc làm thơ của mình. Phải 82 năm sau Xuân Thu Nhã Tập, tôi mới tìm thấy ở Bùi Chát, trong bài Cốt lõi này, một tuyên ngôn thơ, hay nguyên tắc vận hành và cũng là thủ pháp đổi mới sáng tạo có bể dày tư tưởng, trong thời đại này.
***** Vận mệnh
Nếu đi đủ lâu, đủ xa Chúng ta sẽ tới được quá khứ Và nỗi đau sẽ lại bắt đầu
Bài Vận mệnh là một version mới của Đời là bể khổ, như một đoạn phim siêu thực có khả năng gây kinh hoàng. Bùi Chát chỉ nói bâng quơ rằng: đi lâu thì sẽ tới được quá khứ (như thể quá khứ là một điạ điểm xác định) và tới đấy sẽ thấy nỗi đau bắt đầu. Để tạo ra mấy câu thơ lẩn thẩn, mà tình huống lạ lùng này, Bùi Chát đã biến thể hai từ: lấy chữ quá khứ là chữ chỉ thời gian để dùng làm một địa điểm, và lấy nỗi đau là một tình trạng tâm hồn hay thể xác, để dùng làm điểm phát xuất của cuộc đời. Tóm lại, Bùi Chát thay thế cụm từ đời là bể khổ, đã xáo mòn, bằng hai chữ bị đổi nhiệm vụ, để tạo ra một hoàn cảnh siêu thực lạ lùng của một kẻ lẩn thẩn đi trở lại quá khứ và khám phá ra rằng, ở đầu nguồn của quá khứ, tức là từ khi ra đời, nỗi đau đã là chủ thể, đã là mẹ. Bài thơ về sự hiện hữu, hay sự sống, dưới đây, lại càng không cho ta một niềm tin nào nữa:
***** Hiện hữu
Có quá nhiều mặt trong một khuôn mặt Cố bám riết lấy tôi
Theo phản xạ thông thường Tôi bỏ chạy Rồi lại bỏ chạy
Và để vĩnh viễn thoát khỏi những khuôn mặt Tôi đã trốn vào em
Mãi mãi ở trong em Ôm trọn ngày đang tới
Mô tả hiện hữu như thế là đã đạt dứt điểm: con người có trăm mặt, đớn đau, tuyệt vọng... mình chạy trốn chính mình, bèn tìm đến tình yêu như cõi phúc, nhưng em cũng không phải là em, mà chỉ là một ngày đang tới... Tóm lại, những lời thơ của Bùi Chát, dù viết về tình yêu, về sáng tác, về sự cô đơn, hay về hiện hữu... hầu như đều dùng con đường phân chất, tức con đường triết lý, để đào sâu, tìm hiểu, nói lên thực chất mê hoảng của vấn đề. Vì vậy, thơ anh sâu sắc và đa nghiã, ít thấy trong địa bàn thi ca của chúng ta.
***** Phần thứ hai của tập thơ được đặt tên là Những ý nghĩ trở lại. Gồm có 207 ý nghĩ trở lại, được đánh theo số thứ tự, mà tôi gọi là những đoản ngôn. Cuối đời, Lê Đạt cũng viết rất nhiều đoản ngôn. Đọc đoản ngôn của Bùi Chát, tính chất triết lý lấn át tính chất văn chương. Xin chép ra đây ba câu: - (36) Người mà mình cần chiến thắng là bản thân mình chứ không phải ai khác. Thắng mình được mình, thắng người khác chẳng được ai cả. - (37) Đừng quá bận tâm tới việc được dịch. Một nhà thơ không có chỗ đứng trong ngôn ngữ mình, lẽ nào lại có vị trí trong ngôn ngữ khác? - (38) Không còn nước mắt để buồn khổ cũng có thể hiểu là vẫn còn rất nhiều nước mắt để cho vay.
Nếu ta chú ý đến những đoản ngôn nói về việc viết, nhiều câu của Bùi Chát có thể trích in trong phần danh ngôn thế giới, bên cạnh lời của Graham Greene, Drinker Bowen, Jodi Picoult, Robert Frost, Toni Morrison... mà Văn Việt đã trích đăng. Đoản ngôn của Bùi Chát diễn tả rõ nhất sự bất đồng của Bùi Chát với chính mình, và đó cũng là tính chất thứ nhì của Bùi Chát, sau tính chất tương phản: Anh không thích và xem thường triết học, nhưng nội dung những đoản ngôn và thơ anh luôn luôn có ý nghiã triết lý, bởi vì anh thường tìm cách phân chất, để trả lời những câu hỏi đại loại như: Viết là gì? Yêu là gì? Cô đơn là gì? Ngôn ngữ là gì? Nước mắt là gì? Em là gì?... Và việc ấy, chính là việc của một người suy nghĩ, một nhà triết lý, nhờ đó, anh tạo ra tư tưởng đổi mới thi ca của anh trong thời đại này.
Paris 12-2-2025
© 2025 Thụy Khuê
|