Thụy Khuê

 

 Chứng nhân lịch sử


Cụ Lê Văn Lâu trả lời câu hỏi:
Ai tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương?



Chiến tranh Đông Dương có thể coi như đã khởi nguồn từ ngày 24/3/1945, ngày mà tướng de Gaulle tuyên bố: Đông Dương sẽ là một khối các quốc gia liên kết (Etats associés) gồm Miên, Lào và Việt Nam với Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, được coi như "năm nước" có quy chế tự trị, đặt dưới quyền một viên Cao Ủy Toàn Quyền, đại diện cho nước Pháp.
Ngày 16/8/1945, Pháp cử Đô Đốc d'Argenlieu làm Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và tướng Leclerc làm Tổng Tư Lệnh quân đội viễn chinh Pháp.
Đầu tháng 10 năm 1945, tướng Leclerc đến Sàigòn tuyên bố sẽ bình định Nam Bộ. Chiến tranh Việt Pháp chính thức bùng nổ.


*
 

Cuộc chiến ấy đã tốn kém bao nhiêu tiền?
Về phía Pháp, Jacques Despuech, trong cuốn Le trafic des piastres (Buôn Lậu Tiền Đồng) do nhà xuất bản Deux Rives phát hành tại Paris năm 1953, cho biết như sau:
"Những chi phí của chiến tranh từ 1945 mỗi ngày một đè nặng trên ngân quỹ thường niên của Pháp (theo B.E.I.C., trang 82). Những phí tổn hàng năm của nước Pháp cho đạo quân viễn chinh được ghi nhận một cách chính thức, là:


3 tỷ quan trong năm 1945
27 tỷ 1946
53 tỷ 1947
89 tỷ 1948
130 tỷ 1949
201 tỷ 1950
308 tỷ 1951
 

Tổn thất này tương đương với một phần ba ngân quỹ quốc gia Pháp. Dự đoán lạc quan nhất (tức là ít nhất) cho năm 1952, là 535 tỷ quan. Tổng cộng những tổn thất (nhà nước Pháp) thú nhận là vào khoảng 1.600 tỷ quan. Thật ra, những chi phí thực sự còn cao hơn nhiều, nó vượt quá con số vừa nêu khoảng 800 tỷ." (trích trang 31)


Trước khi đi xa hơn, chúng tôi xin mở ngoặc nói về giá trị tiền quan Pháp trong thời kỳ này. Đây là thời kỳ 45-53, Pháp dùng đồng quan nhẹ còn gọi là quan cũ (đồng quan cũ được lưu dụng đến ngày 29/12/1958. Khi tướng de Gaulle đắc cử tổng thống ngày 21/12/1958, chính phủ Pháp quyết định thay đồng quan cũ bằng đồng quan mới, còn gọi là quan nặng. Một đồng quan mới trị giá 100 đồng quan cũ và đồng quan mới vẫn tồn tại đến ngày nay)
Ở thời điểm 45-53, chính phủ Pháp quy định 1 đồng piastre tức là 1 đồng Việt Nam, trị giá 17 quan Pháp. Trong suốt bộ tài liệu này, chúng tôi nói đến đồng quan cũ và đồng piastre.


Jacques Despuech là một cựu chiến binh, chiến đấu tại Đông Dương. Ông đã nhìn thấy những cái chết thảm khốc của đồng đội trên các mặt trận từ Nam ra Bắc. Trở lại Pháp, Jacques Despuech muốn đánh động dư luận về một "sự thật" mà theo ông, nếu chính quyền Pháp chận đứng hệ thống buôn lậu tiền đồng thì có thể chiến tranh đã chấm dứt. Trong 4 năm, Despuech đã xông xáo vào các cửa quyền, tìm tài liệu và viết cuốn sách này.
Le trafic des piastres là một cuốn sách đúng đắn về mặt thống kê, về cách đưa tài liệu và các con số. Nhưng nó chỉ phản ảnh quan niệm của một người Pháp trên những vấn đề mà tác giả nêu ra.
Về câu hỏi: Ai chi phí cho chiến tranh Đông Dương, chúng ta có thể dựa vào tài liệu của Jacques Despuech để thấy, từ phía Pháp, ngườì ta đã nhìn vấn đề như thế nào. Jacques Despuech viết:


"Dĩ nhiên những phí tổn mà Pháp phải chịu đựng đã đem lại một sự phồn thịnh tương đối cho kinh tế của các quốc gia trong Liên Hiệp Pháp (tức là Việt, Miên, Lào). Từ sự nghiên cứu những dữ kiện khác nhau, nẩy ra một sự kiện không thể chối cãi được là nước Pháp đã một mình chịu hết gánh nặng chi phí về chiến tranh Đông Dương. Bởi vì nước Việt Nam, không có của cải, không có ngân quỹ, nên không thể tài trợ một đồng nào cho cố gắng của Pháp về phương diện này." (trang 32)

 


Sự thật có đúng như vậy không?
Hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu một nhân chứng về phía Việt Nam, cụ Lê Văn Lâu (sinh ngày 1/6/1911 tại Sàigòn), người đã làm việc tại Pháp Hoa Ngân Hàng trong 22 năm, đã lần lượt giữ các chức Secrétaire Général attaché auprès du Président Directeur Général, Tổng Thư Ký trực thuộc Tổng Giám Đốc, trước năm 1950, rồi Fondé de pouvoir - Quyền Quản Trị của Pháp Hoa Ngân Hàng từ 1950 đến 1959. Ở thời điểm đó chỉ có cụ Lâu và ông Tổng Giám Đốc là có chìa khóa mở code mật của ngân hàng. Cụ Lê Văn Lâu sẽ cho biết ai đã tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương.


Trong gần nửa thế kỷ, cụ Lê Văn Lâu đã im lặng về vấn đề này. Hôm nay, ở tuổi 90, cụ đang soạn cuốn hồi ký và cụ đã vui lòng dành cho chúng tôi những tiết lộ đầu tiên về hoạt động của ngân hàng Pháp Hoa, Banque Franco Chinoise, tại Việt Nam trong thời kỳ mà cụ làm việc tức là từ ngày 1/10/1937 cho tới ngày 31/12/1959.


Nhân chứng của cụ Lê Văn Lâu đối lập với version chính thức của chính phủ Pháp và chứng tỏ một điều quan trọng: Ngân hàng Pháp Hoa không những kiếm lời trên sức lao động và thổ sản của người dân thuộc địa, mà còn dùng đồng tiền lời ấy để chi phí cho chiến tranh xâm lược. Điều này khiến những ai "nghiên cứu lịch sử" chỉ chú trọng đến tài liệu của Pháp mà không chú ý tìm hiểu những nhân chứng Việt Nam, nên thận trọng.
Những buổi nói chuyện này đã được phát thanh trên đài RFI vào những ngày 30 tháng 9, 7 và 14 tháng 10 năm 2000. Chúng tôi xin ghi lại toàn bộ tài liệu này để gửi đến độc giả Thế Kỷ 21.


T.K.
 


I. Pháp Hoa Ngân Hàng tài trợ cho chiến tranh Đông Dương

Thụy Khuê: Thưa bác Lê Văn Lâu, trước hết, xin bác trả lời thẳng vào câu hỏi chính mà có lẽ cho tới nay chưa có tài liệu nào nói thẳng và nói thật về vấn đề này, đó là: Ai tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương, chủ yếu là chiến tranh Việt Pháp từ 1945 đến 1954?
Lê Văn Lâu: Thưa bà, tôi xin trả lời, đi ngược lợi thời gian, năm 1953, có một hôm ban quản trị của Pháp Hoa Ngân Hàng, Banque Franco Chinoise, được lịnh nhóm. Mỗi lần nhóm như thế thì thành phần những người đi dự là những ông chủ của mấy hãng lớn tại Sàigòn thời đó. Họ là chủ nhà băng, chủ đồn điền v.v... ở trong tổ chức thương mại của ngân hàng. Họ họp lại để tính sổ, tùy theo số sản xuất, buôn bán lời lãi mỗi năm bao nhiêu, chia thành phần, đặng mà dùng tiền lời dư ra để trả tiền đánh Việt Minh. Ông chủ tịch ban quản trị mới cho hay như thế này: Ông de Lattre de Tassigny vừa gọi điện thoại, xin phải đưa cho ông ấy thêm 150 triệu đồng nữa -lúc đó giá gạo mỗi kí lô lối năm cắc, tám cắc, chứ không nhiều- 150 triệu nữa đặng để mà đánh Việt Minh, thì mấy người chủ hãng, chủ ngân hàng đó, họ nhao nhao lên, họ bất đồng ý kiến, họ không chịu.
 


TK: Thưa bác, tiền mà bác vừa nói đó là đồng tiền Việt Nam hay đồng tiền franc?
LVL: Đồng Việt Nam, piastre đó. Họ mới nói như vầy: Mình trả tiền cho de Lattre de Tassigny và quân lính Pháp đánh Việt Minh, từ ngày mà người Pháp trở lại Việt Nam, là hồi ông đại tướng Leclerc qua cho tới bây giờ, mỗi tháng mình phải trả mấy trăm triệu như thế, mà trả tiếp tục cho đến bây giờ là [năm] 53 rồi mà không ăn thua gì hết thì thôi, không có cho nữa, tại chỗ đó nên ...
 


TK: Thưa bác, xin ngắt lời bác, đó là sự giả lời của hội đồng quản trị nhà băng. Nhưng hội đồng quản trị nhà băng đó gồm những người Pháp hay có cả người Việt nữa?
LVL: Không, không, người Pháp không, chỉ người Pháp không. Sở dĩ có tôi ở trong đó là bởi vì tôi có bổn phận phải ghi lại, để sao lại mà biên cái procès-verbal (biên bản) cho rõ ràng.

TK: Thưa bác, lúc đó chức vụ chính thức của bác là gì?
LVL: Thưa bà, hồi đó tôi là -tôi không biết tiếng Việt kêu ra sao- fondé de pouvoir, thành thử ra vì chỗ đó mà mấy chuyện xẩy ra tôi biết rõ là vậy. Họ nói những gì? Họ nói: thôi thì ông Lâu coi lại tiền cho ông de Lattre de Tassigny đánh Việt Minh còn bao nhiêu? Tôi bây giờ thì lâu quá rồi, không nhớ rõ bao nhiêu, có đều là không còn bao nhiêu, tôi nói chắc có lẽ nhiều lắm là độ một hai tháng nữa là hết bởi vì xài nhiều quá đi, mỗi tháng cả mấy trăm triệu, làm sao mà có đủ. Sau cùng họ mới nói rằng: thôi thì dứt khoát tư tưởng, không cho nữa, tới đâu hay đó. Vì chỗ đó mà chúng tôi biết được Điện Biên Phủ sẽ chấm dứt trước đó vài tháng, Điện Biên Phủ 54- thì 53 chúng tôi đã biết trước rằng sẽ hết.
 


TK: Thưa bác, như vậy là chúng ta có thể tóm tắt được đại ý câu nói của bác: Nếu Pháp Hoa Ngân Hàng không chịu chi tiền nữa thì chiến tranh Việt Pháp sớm muộn sẽ phải chấm dứt vào khoảng 53.
LVL: Đúng, 53. Song vì còn dư chút đỉnh tiền thì chúng nó nói: thôi đã lỡ đưa ra rồi thì cứ xài hết. Có ăn được Việt Minh thì ăn, không ăn được thì thôi vậy. Thưa bà, ở chỗ đó cũng có một chuyện cần phải nói ra là sau đó thì con ông de Lattre chết, ông de Lattre buồn rầu ông cũng chết theo. Một hôm ở Paris đánh điện cho bên Pháp Hoa Ngân Hàng ở Sàigòn biết rằng ông de Lattre đã mất. Được điện đó, chính tôi mở ra, thấy vậy tôi mới cho ông chủ ngân hàng Pháp Hoa ở Sàigòn hay, ông trả lời de Lattre chết đi thì thằng khác thế chứ không có gì phải lo.

TK: Thưa bác, xin bác nói rõ về tổ chức của Pháp Hoa Ngân Hàng. Thưa bác, tại sao lại có tên là Pháp Hoa Ngân Hàng và những liên hệ của ngân hàng này với ngân hàng Banque de Paris et des Pays Bas là như thế nào?
LVL: Thưa bà, tại sao lại gọi là Pháp Hoa Ngân Hàng, Banque Franco Chinoise? Chuyện đó nó như thế này: Chúng ta đừng quên rằng hoạt động về kinh tế và thương mãi của người Hoa ở Việt Nam mình, từ hồi trước cũng như thể bây giờ, đều hết sức là quan trọng. Pháp Hoa Ngân Hàng trực thuộc vào ngân hàng mẹ là Banque de Paris et des Pays Bas, gọi là PARIBAS.
Tại sao gọi là Pháp Hoa Ngân Hàng? Gọi là Pháp Hoa Ngân Hàng bởi vì vốn của họ chia ra như thế này: 51% của người Pháp, 49% của người Tàu. Trụ sở trung ương của Pháp Hoa Ngân Hàng hiện bây giờ cũng còn ở quận 9, Paris, 74 đường Saint Lazare, gần nhà thờ Trinité. Trong ban quản trị Pháp Hoa Ngân Hàng, người đứng đầu đại diện cho người Hoa, không ai khác hơn là một trong những người em hay anh của bà Tưởng Giới Thạch (Tống Mỹ Linh). Trong thời gian mà chúng tôi cộng sự với Pháp Hoa Ngân Hàng, thì người đại diện của Pháp Hoa Ngân Hàng tại Đông Dương -Lào, Cao Miên và Việt Nam- là ông Marc Bénignus. Marc Bénignus là Tổng Giám Đốc của Pháp Hoa Ngân Hàng từ 1937 đến 1954.
Phần tôi, khi ông Marc Bénignus nhậm chức ở Pháp Hoa Ngân Hàng, thì hai tháng sau tôi vô làm liền, dưới quyền của ổng; tôi vào cộng sự với Pháp Hoa Ngân Hàng từ 1937 tới 1959, nghĩa là 22 năm.

TK: Thưa bác, cá nhân ông Marc Benignus, Tổng Giám Đốc Pháp Hoa Ngân Hàng là người như thế nào?
LVL: Marc Benignus là một người, trước hết là protestant, ông theo đạo Tin Lành. Ngoài vấn đề làm việc ra, ông có một tư cách hết sức là đúng đắn với người Việt trong khoảng thời gian đó. Nhất là ông tìm hiểu thêm về đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Tôi được cái hân hạnh mỗi khi có chuyện chi dính dấp đến Việt Nam, ông đều hỏi ý kiến rồi chúng tôi lại bàn rộng thêm ra, cái nào mà tôi hiểu thì tôi nói, có nhiều khi cũng có thể chạm lòng tự ái của ông là một người Pháp, song ông không lấy vấn đề đó để làm phiền hay cái chi. Vì chỗ đó mà chúng tôi làm việc trong hai mươi mấy năm trường, sau đó hai gia đình trở thành bạn thân, bạn thân đến đỗi là ông với bà Bénignus, khi không còn làm nữa, trở về Pháp và trong lúc đó gia đình chúng tôi cũng sang Pháp, thì ông cũng ở gần chỗ chúng tôi ở; thỉnh thoảng ông gọi điện thoại mời tôi: bữa nào anh rảnh, anh cho tôi biết, tôi lợi thăm anh; bởi vì tôi ở gần tour Eiffel, sáng bữa nào tôi cũng lợi đó, tôi đem sách lại tôi xem, tụi mình ngồi nói chuyện rồi bàn này kia bởi vì trong khoảng thời gian hai mươi mấy năm ở Việt Nam, không có ngày giờ mà xem báo, xem sách, không có ngày giờ mà trao đổi ý kiến gì hết. Chúng tôi đã trở nên bạn thân đến mức đó.

TK: Thưa bác, cũng thời gian đó ở Việt Nam còn có một ngân hàng khác không kém phần quan trọng, đó là Đông Dương Ngân Hàng. Vậy xin bác cho biết Đông Đương Ngân Hàng có một vai trò như thế nào so với Pháp Hoa Ngân Hàng?
LVL: Tôi xin giải thích về hoạt động của hai ngân hàng quan trọng nhất ở Việt Nam trước đây nửa thế kỷ. Trước hết là Đông Dương Ngân Hàng gọi là Banque de l'Indochine và kế đó là Pháp Hoa Ngân Hàng tức là Banque Franco Chinoise. Trong tổ chức của người Pháp lúc đó thì Đông Dương Ngân Hàng, Banque de l'Indochine, chỉ có trách nhiệm là in tiền, in bạc ở Việt Nam thôi, người Pháp họ gọi là banque d'émission, phát hành tiền. Ngoài ra, nếu như thể có những hoạt động về kinh tế hay lý tài gì khác, thì một phần nhỏ nhen chứ không lớn lao, không quan trọng bằng Pháp Hoa Ngân Hàng.
 

 

 


II. Những hoạt động của Pháp Hoa Ngân Hàng

TK: Xin bác nói về những hoạt động của Pháp Hoa Ngân Hàng tại Đông Dương, vì nếu chúng ta biết rõ được những hoạt động của Pháp Hoa Ngân Hàng thì chúng ta có thể hiểu được tại sao họ lại có thể tài trợ cho chiến tranh Đông Dương.
LVL: Tôi có biên ra đây tất cả mọi hoạt động của ngân hàng Pháp Hoa. Thưa bà, tôi xin nói trở lại tất cả những hoạt động của ngân hàng Pháp Hoa tại Sàigòn lúc đó. Muốn cho dễ hiểu, tôi xin chia làm nhiều phần, để đặng nói từng hãng một.
Phần thứ nhứt là về agriculture, canh nông về cao su, về ruộng, (agriculture, hévéaculture, riziculture) thì có những công ty này:
- Compagnie des thés et cafés du Kontum (C.A.T.E.C.K.A), cái này ở tại Kontum, miền Trung;
- Société Indochinoise de plantation d'hévéas de Xuân Lộc. Đồn điền cao su này lớn lắm, trên 350 mẫu, luôn trọn 350 mẫu chứ không chia từ khúc, từ khúc, ở tại Xuân Lộc, cách Sàigòn 150 cây số;
- Société rizicole de Battambang. Đồn điền này ở trên Battambang, Cao Miên, 3000 mẫu, gần Thái Lan. Đây là đồn điền thứ nhứt dùng máy móc. Họ trồng lúa và xuất cảng gạo, kêu bằng gạo de luxe, thượng hạng, để gởi qua Pháp lấy tên là "Riz Apsara". Apsara là tên một vị thần người Cao Miên. Ông chủ hãng này là một kỹ sư canh nông tên là Pujol, ông lấy cái giống lúa đó đem về Pháp và cũng nhờ cái giống lúa gây ở Việt Nam, đem về, ông cấy ở Camargue.
- Société foncière et rizicole de Sóc Trăng. Sau khi Pháp thua Đức ở Âu Châu, Battambang bị quân đội Thái Lan chiếm. Mà chính phủ Thái Lan lúc đó là đồng minh của Trục Đức-Ý-Nhật, hãng Société rizicole de Battambang bó buộc phải trở về Việt Nam, họ mới dọn tất cả cái đó về Sóc Trăng. Đó là khoản thứ nhứt.

TK: Bây giờ xin bác nói về những hoạt động khác của Pháp Hoa Ngân Hàng, trước hết là vấn đề bất động sản.
LVL: Vấn đề bất động sản (immobilier) thì có hai công ty hết sức lớn là:
- Compagnie Générale Immobilière gọi tắt là COGISA, công ty này có nhà cửa, đất cát, ruộng nương quan trọng ở Việt Nam, Lào và Cao Miên và mấy xứ khác bên Afrique và ở bên Pháp nữa.
- Thứ nhì là Société Chine Indochine Immobilière gọi tắt lá CHININDO, có nhà cửa ở bên tàu và vài cái villa ở Sàigòn. Đó là hoạt động của Pháp Hoa Ngân Hàng về bất động sản.

TK: Thưa bác, còn về ngành chuyên chở công cộng cũng như là vận tải lương thực và dụng cụ chiến tranh, thì Pháp Hoa Ngân Hàng cũng có một vai trò khá quan trọng?
LVL: Tôi xin đề cập đến vấn đề chuyên chở công cộng. Trước hết là Compagnie de Chemin de Fer de Yunan, Công Ty Hỏa Xa Vân Nam có một đường từ Hải Phòng xuyên qua Hà Nội đến Đồng Đăng hết sức quan trọng. Đường này dùng để vận tải lương thực và những khí cụ chiến tranh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Vì thế khi người Nhật chiếm Trung Quốc rồi, thì họ khóa chặt con đường xe lửa nối liền Hải Phòng đến Đồng Đăng. Vấn đề này tôi biết rõ bởi vì chính tôi đứng ra để chỉ huy các cuộc vận tải sang Trung Quốc. Pháp Hoa Ngân Hàng buộc tôi phải giao luôn qua bên Trung Quốc, song tôi không bằng lòng, tôi không chấp thuận chở đồ qua bên Trung Quốc mà tôi chỉ đi tới Đồng Đăng là cái ải chót của nước Việt Nam. Do đó mấy người có trách nhiệm thu những đồ mà tôi vận tải, phải có mặt ở Đồng Đăng để lãnh.

TK: Về những phương tiện giao thông và chuyên chở khác thì Pháp Hoa Ngân Hàng còn có những gì nữa, thưa bác?
LVL: Compagnie Indochinoise de Messageries Automobiles nói tắt là C.I.M.A, Công Ty Vận Tải Đông Đương bằng xe hơi. Công ty này chỉ chở đồ từ Việt Nam qua Lào mà thôi. Tại sao làm như thế? Bởi vì nước Lào một bên là Việt Nam, một bên là nước Xiêm, nước Lào không có ngõ ra biển. Thành ra họ phải làm cái téléphérique mới đi được. Và cái téléphérique đó đi từ Việt Nam sang Savanakhet đi qua Đông Hà. Le Laos n'ayant pas de porte de sortie sur la Mer de Chine est coincé à l'intérieur par le Vietnam, tại chỗ đó mà Banque Franco Chinoise mới làm một con đường téléphérique, có lẽ là con đường téléphérique đầu tiên, cái này cũng là bộn tiền. Nó (Pháp Hoa Ngân Hàng) hoạt động như thế thì làm sao Đông Dương Ngân Hàng làm nổi mấy chuyện đó.

TK: Thưa bác, tóm lại có thể nói là Pháp Hoa Ngân Hàng có một hoạt động kinh tài cho chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương.
LVL: Đúng như thế. Về cái này tôi nói rõ hơn, có một cái gọi là Compagnie Nouvelle de Messageries Automobiles. Cái này, hồi khởi sự làm năm 1938, họ dấu tôi, họ không nói tại làm sao mà có cái vụ này, có cái hãng này. Một năm sau, họ bó buộc, phải nói sự thật cho tôi biết, chứ không tôi đâu có biết gì mà tôi làm. Công ty này tiếp nối với con đường xe lửa Đồng Đăng đã nói ở trên.
Còn một hãng nữa là Société de transport du Centre d'Annam, STACA, Hãng Chuyên Chở Trung Kỳ. Cái này ở Nha Trang. STACA trụ sở ở tại Nha Trang song quản trị trung ương thì ở Sàigòn. Hãng này chỉ lo chở đồ đạc và hành khách Nha Trang - Sàigòn và Sàigòn - Nha Trang mà thôi, mà cũng là đại diện cho hãng Renault ở Trung Việt. Tôi xin nói tiếp chỗ này là cái sức bành trướng của Pháp Hoa Ngân Hàng như thế nào ở tại Nha Trang. Những người Việt Nam có xe hàng chuyên chở riêng không thể nào cạnh tranh với STACA được, thành thử ra họ bó buộc phải đi làm cho hãng STACA. Nó dành hết, nó không cho mình hoạt động gì hết. Mình trở lại làm chauffeur cho nó.
Còn vụ Biển Hồ nữa. Vấn đề Biển Hồ, Tonlésap là như thế này: Có thể nói nó "mua" Biển Hồ. Thủa đó, ở Biển Hồ có nhiều cá lắm. Muốn khai thác Biển Hồ phải là người Cao Miên mới được. Thành ra Pháp Hoa Ngân Hàng tìm được một người, anh đó làm việc cho Pháp Hoa tại Nam Vang. Anh ấy mới đứng ra cho Pháp Hoa mượn tên anh để khai thác Biển Hồ. Khi tới mùa cá đổ xuống, thì ảnh lo công chuyện đó, bán cá rồi thì số tiền bán cá ở Biển Hồ, anh trao lại cho Pháp Hoa Ngân Hàng.


III. Vai trò của Pháp Hoa Ngân Hàng trong lãnh vực thông tin

TK: Thưa bác, bây giờ xin bác đề cập đến vai trò của Pháp Hoa Ngân Hàng trong lãnh vực thông tin đại chúng.
LVL: Thưa, trước hết là vấn đề thông tin, information, nó hết sức quan trọng, tôi sẽ cắt nghĩa sau này, tại làm sao quan trọng. Có một hãng của Pháp Hoa Ngân Hàng tên là Société Indochinoise de Radiodiffusion viết tắt là SIRD. Hồi đó gọi là Radio Sàigòn. Radio Sàigòn có trách nhiệm quản trị đài phát thanh của chánh phủ Pháp tại Đông Dương. Kế đó là Agence Havas d'Extrême Orient. Hãng này chỉ chuyên môn làm quảng cáo. Kế đó là Société Indépendante Luminescence et Radio gọi tắt là S.I.L.E.R với một cái nhánh là Tân Việt Nam Thương Xã. Hãng SILER này độc quyền nhập cảng máy hiệu Philips ở bên Pháp và bên Hòa Lan. Sau nữa là Société Indépendante de Photo d'Extrême Orient, S.I.P.E.O. Hãng này đại diện cho Kodak và Piano Pleyel. Kế nữa là Société Indochinoise Films et Cinémas I.F.E.C, có những rạp chiếu bóng quan trọng nhất ở Việt Nam, ở Lào và ở Cao Miên.

TK: Thưa bác, xin bác trở lại vai trò của đài phát thanh Sàigòn dưới sự điều khiển của Pháp Hoa Ngân Hàng thời đó.
LVL: Vấn đề đài phát thanh Sàigòn lúc đó kêu là Radio Sàigòn thì hết sức quan trọng. Quan trọng bởi vì, trước hết lúc đó không có télévision, không có truyền hình, Radio Sàigòn được độc quyền, muốn nói cái chi nó nói. Đến chỗ là nó cho một người chuyên môn về phát thanh ở bên Pháp qua. Người đó tên là Jacques Le Bourgeois. Qua rồi ổng viết một quyển sách kêu bằng "Saigon Sans La France" (des Japonais aux Viet Minh), xuất bản ở nhà Plon, năm 1949, mà tôi có một bổn, trong đó ông ta nói chuyện từ ngày Pháp cai trị cho đến khi Pháp không còn cai trị nữa thì nó như thế nào. Ông binh vực nước ông.

TK: Thưa bác, như trên bác đã nói là vai trò của đài phát thanh Sàigòn lúc đó rất quan trọng, vậy xin bác giải thích rõ hơn về đường lối hoạt động chính trị của đài thánh thanh Sàigòn ở thời điểm đó.
LVL: Vấn đề truyền thanh trong khoảng thời gian đó hết sức quan trọng là như thế này. Nếu ngược dòng lịch sử thì chúng ta nhớ rằng: nước Pháp lúc đó đã thua trận, trong thế chiến thứ hai. Người cầm đầu nước Pháp lúc đó là Thống Chế Pétain và thủ tướng của ông là Pierre Laval. Lúc đó ông de Gaulle không chấp thuận đường lối chính trị của Thống Chế Pétain nên ông đã đi qua Londres và lập một chánh phủ lưu vong, ở tại Londres. Chúng tôi, ở trong Pháp Hoa Ngân Hàng, được lịnh của ông Tổng Giám Đốc Banque de Paris et des Pays Bas là ông Marc Langlois Bertholet...

TK: Xin phép bác để nhắc lại với quý vị thính giả và độc giả là Marc Langlois Bertholet là Tổng Giám Đốc của ngân hàng Paris et des Pays Bas và ngân hàng này là ngân hàng mẹ của Pháp Hoa Ngân Hàng.
LVL: Marc Langlois Berthelot cho biết rằng tình trạng chính trị của nước Pháp trong lúc đó tại Việt Nam hết sức khó khăn, chúng ta nên thận trọng. Ban quản trị Pháp Hoa Ngân Hàng ở tại Paris ra lệnh hết sức gắt gao trên đường lối chính trị cũng như kinh tế và lý tài của Pháp Hoa Ngân Hàng tại Đông Dương. Tại làm sao có chuyện đó, bởi vì Pháp Hoa Ngân Hàng lúc đó đứng vào một tình thế có thể gọi là, nói bế tắc thì không phải bế tắc, song một bên muốn làm vừa lòng chính phủ Pháp dưới quyền Thống Chế Pétain, một bên muốn làm vừa lòng cho cuộc hoạt động không ngừng của Pháp Hoa Ngân Hàng tại Đông Dương. Tại chỗ đó nên có thể nói rằng Pháp Hoa Ngân Hàng đi hai chưn. Một chưn làm vui lòng cho Pháp, bên Pháp; một chưn làm vui lòng cho tất cả những người ở bên Việt Nam. Pháp Hoa Ngân Hàng ở Paris mới cho biết rằng: Chúng ta phải thận trọng trong chuyện đối xử với những người Việt Nam yêu nước và họ cũng biết rằng lúc đó những người Việt Nam yêu nước đã có mặt tại Sàigòn rồi. Những người cách mạng có mặt tại Sàigòn không phải chỉ là bên Việt Minh không, mà có cả những người ở trong những tổ chức quốc gia khác; thành ra ở Sàigòn phải coi chừng những người đó, có cái chi cho biết họ hoạt động chính trị chống Pháp thì phải cho ban quản trị ở Sàigòn biết liền, để ban quản trị ở Sàigòn tìm cách giải quyết tại chỗ trước khi hỏi ý kiến Paris.

TK: Thưa bác, trước những lệnh từ Paris như vậy và trước tình trạng khó khăn ấy, thì ban quản trị Pháp Hoa Ngân Hàng, nhất là ông Marc Bénignus, Tổng Giám Đốc Pháp Hoa Ngân Hàng, đã xử sự như thế nào?
LVL: Đứng trước tình trạng khó xử về phát thanh muốn làm vừa lòng Pháp và làm vừa lòng cho tất cả dân chúng Việt Nam, thì ông Marc Bénignus không biết làm cách nào, ông mới thành lập một cái ủy ban chuyên môn coi về phát thanh, ở trong đó chia ra nhiều phần:
Phát thanh về tiếng Pháp, dưới quyền điều khiển của ông Marc Bénignus.
Phát thanh về tiếng Trung Hoa và tiếng quan thoại thì của ông Comte de Kermadec, một người Pháp breton, lấy vợ là một công chúa Mông Cổ, đã 20 năm làm cố vấn văn hóa cho tòa đại sứ Pháp ở Bắc Kinh. Ông là một người có văn hóa cao.
Và tiếng Việt Nam là phần của chúng tôi. Lẽ tất nhiên có phần phát thanh bằng tiếng Anh song không quan trọng lắm nên chúng tôi không đề cập tới ở đây. Ủy ban đó, trước hết phải nghe. Và mỗi ngày, trước khi phát thanh, ủy ban đó, trong đó có tôi, được quyền coi trước và nghe trước; nếu như thể có cái chi không có lợi cho đường lối làm việc của Pháp Hoa Ngân Hàng thì chúng tôi cắt. Vì chỗ đó mà có nhiều khi ở trong ban quản trị, phần đông có mặt không đồng ý với tôi, mà không phải một ngày, một lần, mà nhiều lần như thế. Phần tôi thì tôi binh vực đường lối của người Việt Nam. Còn họ, thì họ binh vực quyền lợi của nước Pháp.

TK: Thưa bác, đứng ở địa vị một người Việt Nam làm việc với Pháp Hoa Ngân Hàng trong trường hợp đó và làm việc với đài phát thanh Sàigòn trong trường hợp đó, thì tâm cảm bác như thế nào?
LVL: Riêng phần tôi, cán bộ trong mấy mươi năm của Pháp Hoa Ngân Hàng, tôi đứng trước một chuyện khó xử. Tôi đứng trước tình cảnh hết sức khó khăn, không biết làm sao để binh vực cho những người quốc gia, cũng như Việt Minh yêu nước, để mà, nếu như họ có bị làm khó dễ, bị bắt, thì có thể giúp họ đặng họ tránh khỏi những chuyện bắt bớ hết sức là rắc rối và hết sức là vô nhân đạo của người Pháp lúc đó. Không có cách nào khác, tôi mới đem vấn đề đó ra, trình bày với ông Marc Bénignus, nói cho ông biết rằng: Lẽ tất nhiên là cộng sự viên của Pháp Hoa Ngân Hàng, tôi phải binh vực quyền lợi của Pháp Hoa Ngân Hàng, song riêng về cá nhơn, tôi là một người Việt Nam, nước tôi là Việt Nam, thành ra, tôi không thể nào phản những người quốc gia cũng như những người ở bên Việt Minh lo cho đất nước. Vì chỗ đó mà tôi xin ông Marc Bénignus tìm một giải pháp ổn thỏa, riêng về điạ vị của tôi trong nhà băng cũng như riêng về cá nhân tôi đối với đồng bào tôi. Ông Marc Bénignus có một thái độ hết sức rõ rệt và nhứt là ông rất thông cảm, ông mới nói: Thôi, cũng không có gì khó, chúng ta sắp sửa rước ông Marc Langlois Berthelot là Tổng Giám Đốc của Banque de Paris et des Pays Bas qua Sàigòn, tôi sẽ mời ông Marc Langlois Berthelot mà anh đã biết rồi, với tôi, ba chúng ta sẽ đem vấn đề đó đặt ra để hỏi ý kiến và tìm cách giải quyết cho ổn thỏa, để sau cùng lợi thì chúng tôi đả có một giải pháp hết sức là thỏa đáng.

TK: Thưa bác, thỏa đáng như thế nào?
LVL: Thỏa đáng là như thế này. Đối với những người quốc gia và Việt Minh chống Pháp hay là mang tiếng "chống Pháp", thì phải thận trọng, không nên muốn bắt người ta chừng nào là bắt, không có bằng cớ. Và khi có bằng cớ thật đích xác rồi, thì phải đem ra trước tòa để xử chứ không được đem giam người ta. Ví dầu mà có bằng cớ đi nữa, thì cũng phải xử đàng hoàng chớ không phải là muốn xử sao là xử.

TK: Xin cảm ơn bác Lê Văn Lâu. Đến đây chấm dứt phần chứng nhân lịch sử của cụ Lê Văn Lâu, chúng tôi xin thành thật cảm ơn cụ Lê Văn Lâu đã làm chứng nhân cho tài liệu lịch sử quan trọng này.
 

Thụy Khuê
Paris tháng 10/2000
 

9/7/2012:

 Nhân dịp đến quận Cam, tháng 5/2012, chúng tôi nhận được thư của ông Đỗ Hữu Chí, tại Garden Grove, đề ngày 27 tháng 5 năm 2012, nội dung bổ sung cho bài phỏng vấn ông Lê Văn Lâu trên đây. Với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin công bố lá thư để bạn đọc thấy rõ thêm một số vấn đề xoay quanh sự kiện lịch sử này.

 

Thưa bà,

Tôi đã được đọc những bài của bà...

...

Trong khi chờ đợi, tôi vào website http://thuykhue.free.fr của bà và đọc bài “Ai tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương?” và xin phép có một ý kiến nhỏ như sau đây.

Theo phần nhập đề của bài nầy “Những phí tổn hàng năm của nước Pháp cho đạo quân viễn chinh được ghi nhận một cách chính thức” tổng cộng cho đến 1954 là khoảng 1600 tỷ quan cộng thêm khoảng 800 tỷ phụ trội không kiểm chứng.

Rồi bà trích sách “Trafic des piastres” của ông J. Despuech: “Từ sự nghiên cứu những dữ kiện khác nhau, nẩy ra một sự kiện không thể chối cãi được là nước Pháp đã một mình chịu hết gánh nặng chi phí về chiến tranh Đông Dương.”

Để đối ngược với ý nầy, bài của bà tiết lộ là “Cụ Lê Văn Lâu sẽ cho biết ai đã tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương.” Và trong cuộc phỏng vấn, cụ Lâu đã cho biết ngay trong câu trả lời đầu tiên rằng sự tài trợ nầy đã xẫy ra như vầy: “Ông chủ tịch ban quản trị mới cho hay như thế này: Ông de Lattre de Tassigny vừa gọi điện thoại, xin phải đưa cho ông ấy thêm 150 triệu đồng nữa -lúc đó giá gạo mỗi kí lô lối năm cắc, tám cắc, chứ không nhiều- 150 triệu nữa đặng để mà đánh Việt Minh, thì mấy người chủ hãng, chủ ngân hàng đó, họ nhao nhao lên, họ bất đồng ý kiến, họ không chịu.”

Và đi đến kết luận:Ngân hàng Pháp Hoa không những kiếm lời trên sức lao động và thổ sản của người dân thuộc địa, mà còn dùng đồng tiền lời ấy để chi phí cho chiến tranh xâm lược.”

Phần còn lại của bài nầy giải thích rõ ràng thêm vai trò của Pháp Hoa Ngân Hàng tại Đông Dương trong thời gian của cuộc chiến Việt-Pháp đó.

Đọc xong bài nầy, tôi hiểu chi phí của cuộc chiến đó là khoảng 2400 (1600 + 800) tỷ quan Tây và Pháp Hoa ngân hàng đã tài trợ chi phí đó bằng cách thu tiền của các thương nhân ở Đông Dương.

Nếu tôi hiểu sai thì xin bà giải thích thêm.

Nếu tôi hiểu đúng thì tôi nghĩ bài của bà cần phải thêm một chi tiết quan trọng trong phần nhập đề hay phần kết luận để bài phỏng vấn nầy được đặt trong một context chính xác hơn.

Chi tiết đó là sự đóng góp của người Mỹ vào chi phí của cuộc chiến Việt-Pháp nầy mà theo tài liệu của Pentagon Paper (Vol. 1, Chapter 4) nước Mỹ đã giúp từ 1950 (một năm sau khi nước Tàu trở thành cộng sản) cho đến trận Điện Biên Phủ năm 1954. Chi phí nầy đáng kể đến mức tôi nghĩ nếu không có thì cuộc chiến sẽ tàn rất sớm vì lý do là trong 4 năm, nước Mỹ đã giúp thực dân Pháp 1.4 tỷ Mỹ kim, tương đương với 78% ngân sách nước Pháp. (“From May 1950, US started to help France in Indochina until 1954 approximately $1.4 billion, constituted 78% of the French budget” - Trích từ sách (“The CIA, A Forgotten History; US Global Interventions Since WW II”, Zed Books, Ltd. 1986) của tác giả William Blum.)

Nếu những con số nầy chính xác thì sau khi tìm ra thời giá tương đương của đồng Mỹ kim và đồng quan Pháp cũ của năm 1954, rồi cộng với 22% của Pháp (2400 tỷ quan), ta có thể tính ra được tổng cộng chi phí của chiến tranh Đông Dương (1945-1954) bằng Mỹ kim. Và từ sự tính toán nầy thì câu hỏi “Ai tài trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương?” có nên được trả lời là: 3/4 do chính quyền Mỹ và 1/4 do thương nhân Việt Nam?

Vài hàng thô thiển với nhà văn, xin bà nhận nơi đây lòng khâm phục của một độc giả.

đỗ hữu chí

Garden Grove, California

27/5/2012

 

 

Bổ sung

Roots of a War

The end of World War II opened the way for the return of French rule to Indochina. Despite the ties he had forged within the American Intelligence community, and his professed respect for democratic ideals, Ho Chi Minh was unable to convince Washington to recognize the legitimacy of his independence movement against the French. French generals and their American advisors expected Ho's rag-tag Vietminh guerrillas to be defeated easily. But after eight years of fighting and $2.5 billion in U.S. aid, the French lost a crucial battle at Dienbienphu - and with it, their Asian empire.

Source: http://history-world.org/vietnam_war.htm

 

 

U.S. aid to the French began in 1947 with financial credits totaling $160 million. By the end of the war in 1954, the U.S. was financing 80 percent of the French war effort ($2 billion).

Source: ISR (International Socialist Review) Issue 29, May–June 2003

 http://www.isreview.org/issues/29/vietnam.shtml

 

 

PRC (People Republic of China) military advisors began assisting the Viet Minh in July 1950.[66] PRC weapons, expertise, and laborers transformed the Viet Minh from a guerrilla force into a regular army.[67] In September 1950, the United States created a Military Assistance and Advisory Group (MAAG) to screen French requests for aid, advise on strategy, and train Vietnamese soldiers.[68] By 1954, the United States had supplied 300,000 small arms and spent US$1 billion in support of the French military effort, shouldering 80 percent of the cost of the war.[69] (Howard Zinn, “A People's History of the United States”, p. 471.)

Source: http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War#Exit_of_the_French.2C_1950.E2.80.931954



© Copyright Thuy Khue 2000