Thụy Khuê

 

Quê hương ngày trở lại

I. Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên
II. Côn Đảo
III.
Nha Trang
IV. Phú Yên
V. Quy Nhơn

VI. Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An
VII. Trận Đà Nẵng 1847 và 1858
VIII. Huế
IX. Trên đường ra Bắc

X. Về quê Bắc
 

V. Quy Nhơn

  

Quy Nhơn có bề dầy trọng đại của lịch sử.

Đến Quy Nhơn, chúng tôi ở khách sạn M.T. trên bờ biển. M.T. là tên một chuỗi khách sạn mọc trên toàn thể đất nước, ông chủ có lẽ là người gốc dân tộc (ngày trước gọi là người thiểu số) hay ông sinh ra ở miền núi rừng M.T. Bây giờ ông trở thành triệu phú. Ở nước ngoài thì người ta ca tụng ông tay trắng làm nên sự nghiệp (như bin-ghết) còn ông ở VN, nên ông bị coi là tư bản đỏ, nhờ "đút lót" bọn "tham nhũng" mà nên. Du khách đến miền duyên hải nước ta gần như đương nhiên được ở khách sạn trên bờ biển, nhưng khách sạn M.T. thường có địa điểm tốt, thức ăn ngon và nhân viên tiếp đón lịch sự, vì thế mà thành công.

Vịnh Qui Nhơn

Khách sạn của chúng tôi nhìn chéo vào cửa đầm Thị Nại. Điều thật bất ngờ. Bởi đầm Thị Nại là nơi tôi ao ước được đến ít nhất một lần trong đời, để xem bề thế của nó, nơi đã xẩy ra bao nhiêu cuộc chiến ác liệt trong lịch sử, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX do vị trí chiến lược hiểm yếu nhất vùng Bình Định. Và Bình Định, tức Quy Nhơn hay Đồ Bàn là cột trụ của cuộc di dân mở nước từ Bắc xuống Nam của dân tộc ta.

Gần ta nhất, Thị Nại là nơi xẩy ra hai trận đánh lịch sử, giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn: Thị Nại 1792 và Thị Nại 1802. Trận 1802 là trận quyết liệt, có thể coi là trận Xích Bích của Gia Long, quyết định sự thống nhất đất nước.

Sự mênh mông và vị trí kín đáo của đầm Thị Nại giải thích tại sao, năm 1800, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, chỉ huy quân Tây Sơn, lại chọn nơi này đóng đại bản doanh để tiến đánh thành Bình Định (tức thành Quy Nhơn) nơi Võ Tánh và Ngô Tòng Châu cố thủ, từ 1799.

Từ balcon của phòng chúng tôi, nhìn ra cửa đầm Thị Nại, một cảm tưởng không thể diễn tả giữa khâm phục và kinh hoàng của kẻ hậu duệ "nhìn về" trận địa lịch sử oanh liệt và đẫm máu giữa hai thế lực đối đầu của tổ tiên mà mình không thiên bên nào, không mong ai thắng ai bại. Muốn được như vậy, cần phải hơn hai trăm năm. Bởi hiện giờ tôi vẫn chưa thể đi thăm Quảng Trị, vì máu xương như vẫn còn đọng, còn tươi, chưa hề siêu thoát trên những dòng chữ Phan Nhật Nam.

Tháng 3/1773, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh ở ấp Tây Sơn, chiếm Quy Nhơn, mưu đồ diệt nhà Nguyễn. Năm năm sau, Quy Nhơn sẽ trở thành kinh đô của Nguyễn Nhạc: Tháng 6/1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức, xây cung điện trên vùng đất cũ của thành Đồ Bàn, tức thành Quy Nhơn.

Sau khi Quang Trung băng hà (16/9/1792), từ năm 1793 đến 1799, Nguyễn Vương tiến đánh Quy Nhơn ba lần. Lần đầu, Nguyễn Nhạc cầu cứu cháu là Cảnh Thịnh đóng ở Phú Xuân, nhưng tướng của Cảnh Thịnh sau khi thắng trận, uy hiếp Nguyễn Nhạc, khiến ông uất ức mà chết năm 1793. Đến lần thứ ba, tháng 7/1799, Võ Tánh chiếm được Quy Nhơn. Nguyễn Ánh vào thành, đổi tên là Bình Định, để Võ Tánh và Ngô Tòng Châu (tham tri bộ lại) ở lại trấn giữ và cai trị.

Tháng giêng năm 1800, Tây Sơn bắt đầu phản công: Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem đại binh thuỷ bộ chiếm Thị Nại rồi vây thành Bình Định. Nguyễn Vương tính kho lương thực trong thành đủ dùng một năm, định củng cố lực lượng, năm sau sẽ giải vây Bình Định.

Tháng giêng năm 1801, quân sư Đặng Đức Siêu hoàn tất chiến thuật: đánh hoả công triệt hạ hải quân của Võ Văn Dũng đóng ở đầm Thị Nại, để tiến lên phá vòng vây của Trần Quang Diệu bao quanh thành Bình Định, giam chặt Võ Tánh và Ngô Tòng Châu cố thủ trong thành.

Từ khách sạn, tôi nhìn thấy cửa biển mở vào đầm Thị Nại xa xa, bên phiá trái: Đấy là chỗ đại quân Nguyễn Ánh sẽ tiến vào đầm để tiêu diệt toàn bộ hạm đội Tây Sơn đêm 27 rạng ngày 28/2/1801.

Về phiá Tây Sơn, để chắn địch, Võ Văn Dũng dùng ba chiến hạm đại hiệu, có giàn đại bác nòng lớn và hơn trăm thuyền chiến đóng chặn cửa biển Thị Nại, khít khao, không ai có thể lọt vào nếu không biết mật khầu. Cửa đầm còn được canh giữ bằng bãi Nhạn Châu (nay là Bãi Nhạn) bên trái và núi Tam Toà bên phải, đều đặt giàn đại bác và nhiều súng lớn, mục đích tiêu diệt mọi ý đồ thâm nhập.

Làm sao vào được?

Bên trong đầm, đóng toàn bộ hải quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng làm tư lệnh. Trên bờ là bộ binh, bao vây thành Bình Định. Tất cả thuỷ bộ dưới quyền Tổng tư lệnh của Trần Quang Diệu.

Phiá quân Nguyễn, Nguyễn Vương đích thân làm Tổng tư lệnh, tiên phong có Nguyễn Văn Trương, Tư lệnh hải quân (nguyên là tướng Tây Sơn, đem thuyền binh về theo Nguyễn Ánh từ năm1787), Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy, điều động quân cảm tử.

Quân của Nguyễn Vương từ Cù Mông tiến về Thị Nại chiều 27/2/1801, sau khi tập trận, lần này Vương không dùng thuyền đại hiệu, chỉ dùng ga-le và thuyền nhỏ. Thuyền chỉ huy của Vương đậu ở cửa biển Thị Nại, ngoài tầm đại bác Tây Sơn.

Đến chiều tối, đầu tiên hết, Nguyễn Vương ra lệnh cho đội Túc Trực của Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy (1.200 quân cảm tử) đổ bộ lên bãi cát, ngang tầm đảo Hòn Đất, đi trong yên lặng, đến chiếm giàn đại bác ở bãi Nhạn Châu.

Nguyễn Văn Trương bắt được lính tuần của Tây Sơn, biết mật hiệu vào cửa biển.

10 giờ đêm, Trương sửa soạn 60 ghe đại bác để xung kích ba chiến hạm đại hiệu Tây Sơn đóng chặn cửa biển.

10 giờ 30, Nguyễn Văn Trương bắn phát súng hiệu đầu tiên: Nguyễn Vương hạ lệnh Tổng tấn công.

Đại bác Tây Sơn từ đồn Tam Toà nã xuống như mưa, gây kinh hãi. Quân cảm tử của Lê Văn Duyệt xông trận, trèo lên thuyền Tây Sơn đốt phá, tấn công.

Võ Di Nguy trúng đạn, mất đầu. Quân Nguyễn hoảng sợ. Lê Văn Duyệt chém đầu thuyền trưởng địch, hô tiến lên. Nguyễn Vương thấy quân sĩ chết nhiều, ra lệnh tạm lui, nhưng Duyệt thề chết chứ không lùi.

Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương, dùng mật hiệu, bằng thuyền nhỏ, tiến sâu vào hậu quân Tây Sơn ở cuối đầm, đốt đồn thuỷ và những ga-le đang chuẩn bị tiếp chiến. Hàng ngũ Tây Sơn rối loạn: đầu quân nhận đại bác của bãi Nhạn Châu (đã bị quân Nguyễn chiếm), lại tưởng hậu quân (bị Nguyễn Văn Trương đốt phá) làm phản.

Nhưng quân Tây Sơn vẫn can trường chống trả mãnh liệt.

Quân Nguyễn dùng hoả công của Đặng Đức Siêu đốt thuyền. Hai bên đánh giáp lá cà. Đến 4 giờ sáng lửa tràn lên tất cả các thuyền, tầu, chiến hạm. Đến rạng đông, một phần lớn đã nổ trên không trung với tất cả thuỷ thủ.

Nguyễn Ánh thiệt hại khoảng 4.000 quân, Tây Sơn mất 50.000 quân và toàn thể hạm đội bị tiêu diệt (gồm 1.800 chiến thuyền lớn nhỏ. 6.000 đại bác, và đủ loại vũ khí đạn dược và vàng bạc châu báu). Võ Văn Dũng điên dại lăn vào đống tro tàn.

Trận Thị Nại kéo dài 12 tiếng từ 10 giờ đêm 27/2/1801 đến 10 giờ sáng 28/2/1801. Có ba người Pháp lần đầu tiên tham dự cuộc chiến là Chaigneau, Vannier, và de Forçant, họ lái ga-le hộ vệ Nguyễn Ánh, đậu ở cửa biển. Nhưng người Pháp (thuộc điạ) sẽ viết lại lịch sử rằng trận Thi Nại là chiến công của Pháp.

Toàn thắng ở trận Thị Nại, nhưng Nguyễn Ánh vẫn không thể nào đánh lên Quy Nhơn để giải cứu Võ Tánh và Ngô Tòng Châu. Vương viết thư giục Võ Tánh tìm đường máu thoát ra ngoài. Võ Tánh trả lời: Người làm tướng không bỏ thành. Chúa công nên nhân cơ hội quân Tây Sơn tập trung toàn lực ở đây mà đánh chiếm lấy kinh đô. Biết khó phá được quân Trần Quang Diệu (sau Huệ, Ánh chỉ sợ có Diệu), Vương nghe lời khuyên của Đặng Đức Siêu đánh ra Quãng Ngãi, Quảng Nam, rồi chiếm Phú Xuân.

Ngày nay đứng trên cầu Thị Nại, nhìn xuống đầm nước mênh mông bát ngát như biển cả, ta không khỏi ngậm ngùi, tưởng đến bao nhiêu bộ xương còn đọng lại dưới đáy đầm của hơn năm mươi ngàn quân hai bên đã hy sinh, cho một lý tưởng nào, không rõ, nhưng chắc chắn cho sự trung thành tuyệt đối với một mầu cờ mà họ đã chọn. Và mầu cờ ấy, của Tây Sơn hay của Nguyễn Ánh, đối với chúng ta ngày nay, không có nghiã lý gì. Đó là sự phi lý của lịch sử.

 

 

Đầm Thị Nại

Sau trận Thị Nại là trận Quy Nhơn: Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, bị bao vây trong một năm rưỡi, lương thực đã cạn, phải giết ngựa, voi, để ăn dần. Ngoài thành, quân Trần Quang Diệu vây ba vòng, không lối thoát.

Trận Quy Nhơn chính là sự phục thù của Tây Sơn sau chiến bại Thị Nại: Ngô Tòng Châu uống thuộc độc tự tử. Võ Tánh chôn cất Tòng Châu, rồi viết thư cho Quang Diệu yêu cầu tha cho quân lính, đoạn nộp thành, tự thiêu ở lầu Bát Giác. Trần Quang Diệu vào thành, chảy nước mắt nghiêng mình trước thi hài cháy đen của Võ Tánh, tha cho quân Nguyễn về làm ruộng, cử hành đám tang Võ Tánh trọng thể.

Tất cả xẩy ra trong lòng thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc, tức Quy Nhơn hay Bình Định. Năm 1814, vua Gia Long dọn thủ phủ sang thành mới gần thành phố Quy Nhơn bây giờ, nay thành này không còn lại gì, ngoài chiếc cổng tượng trưng, mới được dựng lại.

 

 

Tường thành Hoàng Đế

 

Thành Hoàng Đế

Rời Thị Nại, chúng tôi đi tìm thành cổ Quy Nhơn, nơi Võ Tánh và Ngô Tòng Châu tử thủ. Thành cổ cách Quy Nhơn khoảng 27 cây số về phiá tây bắc, chính là thành Hoàng Đế.

Thành Hoàng Đế nằm khuất trong một làng nhỏ (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn), không mấy ai biết đến, sách du lịch không chỉ dẫn. Chúng tôi lạc đường nhiều lần, dù anh tài xế và anh guide đều người Bình Định, hỏi người dân sống ở chung quanh, họ không biết.

Nhưng khi đến nơi, tính cách vừa đế vương vừa khiêm tốn của phần hoàng thành còn lại, khiến ta không khỏi khâm phục và ngậm ngùi.

Cột cờ

Bên trong Thành Hoàng Đế

Long phượng

Nghê chầu

Tháp Cánh Tiên

 

Thành dựng trên nền Đồ Bàn mà ngày trước vua Lê Thánh Tông đã san bằng, nay chỉ còn lại hai con nghê chầu và gần đó là tháp Cánh Tiên, di tích duy nhất còn lại của Đồ Bàn xưa. Nhưng vết dấu vết Quy Nhơn đầu thế kỷ XIX, khi Võ Tánh và Ngô Tòng Châu tử thủ, rất rõ.

Nhìn Lầu Bát Giác (vừa trùng tu) nơi Võ Tánh tự thiêu sau khi nộp thành. Đứng trước ngôi mộ bề thế hình nửa trái địa cầu, của tướng quân, và ngôi mộ chữ nhật, bé hơn, của cai cơ Nguyễn Tấn Huyên gieo mình vào lửa chết theo chủ tướng, một thứ âm khí thiêng liêng trộn lẫn hùng khí, như còn phảng phất đâu đây, mặc dù đã hơn hai thế kỷ trôi qua, gieo cho ta cảm tưởng lạ lùng như mình đang sờ được lịch sử, đang thở không khí lịch sử, bởi nó luôn luôn hiện diện.

 

 

Lầu Bát Giác

Mộ Võ Tánh

M Nguyễn Tấn Huyên và Võ Tánh

Từ lúc lên 10, mỗi lần đi học, tôi thường đạp xe qua hai con đường Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, nay, hơn 60 năm sau, tôi mới được nhìn thấy mộ người anh hùng, như thể ông đang sống trước mắt. Tiếc rằng mộ Ngô Tòng Châu đã được gia đình rời về Phù Cát quê ông gần đấy, sau bị chiến tranh tán phá.

Nhưng người dân Quy Nhơn hôm nay, không mấy ai biết đến Võ Tánh, Ngô Tòng Châu. Thậm chí anh guide còn ngập ngừng hỏi tôi: Nguyễn Nhạc là ai mà cô mất công đi tìm như thế? Tôi buồn. Thật buồn. Chẳng kể Nguyễn Nhạc mà cả Võ Tánh, Ngô Tòng Châu, Trần Quang Diệu cũng không thấy tên trên các đường phố Quy Nhơn, mặc dù Quy Nhơn do họ xây, và chính họ đã tạo nên một phần lịch sử của vùng này.

Công lao xoá sổ ấy, bắt đầu có từ khi nhà sử học thời danh Trần Huy Liệu, viện trưởng viện sử học thập niên 1960, viết những bài cực kỳ thô thiển để buộc tội nhà Nguyễn, khiến lịch sử (ở miền Bắc) đồng tâm nhận sự chi phối một chiều, cả đến quá khứ cũng bị vạ lây.

Nay đã đến lúc Quy Nhơn nên nhìn lại lịch sử của chính mình: bởi vì Quy Nhơn không chỉ có Tam Kiệt: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ [gọi là Đền Tam Kiệt, thực ra cũng chỉ có Nguyễn Huệ là kiệt xuất và được tôn sùng. Nhưng Nguyễn Huệ lại chẳng làm gì cho Quy Nhơn cả. Người Quy Nhơn hiện nay mấy ai biết Nguyễn Nhạc là ai, xá gì Nguyễn Lữ, ông thầy tu chết nhát, thấy đánh nhau là chạy trước]. Với lại đền này còn mới quá, phải ba trăm năm sau may ra mới cũ. Hoành tráng và cảm động hơn là thăm ấp Tây Sơn, bao la hùng vĩ, đi một vòng xe hơi để thấy tại sao anh em Tây Sơn đã chọn nơi này làm đại bản doanh: bởi thế núi bao quanh như một vòng thành thiên nhiên bất di bất dịch, không đánh đổ được, không xâm nhập được.

Quy Nhơn có những anh hùng trực tiếp đã đóng góp vào những chiến công, chiến bại, như Trần Quang Diệu của Tây Sơn, như Võ Tánh, Ngô Tòng Châu của phe đối diện. Họ biểu dương cho sự dũng cảm, can trường, trung thành, là những giá trị bất biến của mọi thời. Chúng ta là con cháu, không nên thiên vị bên nào, dù thắng, dù bại, của lịch sử.

Quy Nhơn còn một bộ mặt lịch sử ngàn năm: Bởi Quy Nhơn chính là Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành từ thế kỷ XII, sau khi kinh đô Phật Thệ ở Huế bị Lý Thường Kiệt san bằng.

Phải đến đây mới thấy vị trí hiểm yếu của vùng Bình Định, và hiểu tại sao, sau khi Phật Thệ bị phá huỷ, các vua Chiêm đã chọn nơi này để lập đô. Những tháp Chàm còn lại ghi dấu một nền văn minh lâu đời của một dân tộc oanh liệt: Chiêm Thành.

Chiêm Thành mà nước ta đã phải chinh phục trong tám thế kỷ, để lập nên miền Trung.

Chiêm Thành đã từng làm ta khốn đốn và đã để lại cho ta bao nhiêu chủ đề văn chương nghệ thuật.

Ngay từ năm 982, sau khi thắng Tống, vua Lê Đại Hành (980-1009) đã đem quân chinh phục Chiêm Thành, đánh vào kinh đô nước Chiêm "để trị tội sang quấy nhiễu".

Nửa thế kỷ sau, năm 1044, vua Lý Thái Tông (1028-1054) thân chinh đánh vào kinh đô Phật Thệ (làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, Hoàng Xuân Hãn xác định là thành Lồi), vua Chiêm dàn trận ở phiá nam sông Ngũ Bồ (Sông Hương?) Thái Tông giết được vua Chiêm là Xạ Đẩu và bắt vương phi Mỵ Ê, nhưng nàng không chịu chầu vua mà tuẫn tiết.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lại đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, Chế Củ xin dâng đất ba châu: Bố Chính, Điạ Lý, Ma Linh (Quảng Bình và bắc Quảng Trị) để "chuộc tội". Nhưng Chiêm Thành vẫn tiếp tục chống lại đòi đất ba châu.

Năm 1075, trước khi đánh Tống, Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh Chiêm, bình định ba châu Bố Chính, Điạ Lý, Ma Linh, vẽ bản đồ và đưa người Việt vào ở.

Năm 1103, ở Nghệ An có Lý Giác làm phản, chạy sang Chiêm Thành, kết hợp với vua Chiêm là Chế Ma Na, đem quân chiếm lại ba châu.

Năm 1104, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lại sai Lý Thường Kiệt, lúc đó đã 70 tuổi, vào đánh Chiêm Thành, san bằng kinh đô Phật Thệ. Chế Ma Na thua chạy, xin trả lại ba châu. Lý Thường Kiệt trở về Thăng Long, một năm sau mất.

Có lẽ chính ở thời kỳ này, Chiêm Thành mới xây dựng kinh đô mới ở Trà Bàn còn gọi là Đồ Bàn, sâu về phiá nam, điạ thế hiểm trở hơn Huế.

Ranh giới nước ta lúc đó mới chỉ tới Quảng Bình và bắc Quảng Trị. Hai bên không chinh chiến trong một thời gian dài.

Đến đời nhà Trần, 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tông đi chơi Chiêm Thành, hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Mân dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Năm 1306, cho công chúa về Chiêm. Năm 1307, vua Trần Anh Tông thu phục hai châu Ô, Rí, đổi tên là Thuận châu, Hoá châu, nước ta có thêm đất Thuận Hoá (Huế) từ đấy.

Huyền Trân công chúa lấy chồng chưa được một năm thì Chế Mân chết, vua Anh Tông không thể để em gái chết thiêu theo tục Chiêm Thành, bèn sai Trần Khắc Chung vào tìm kế rước công chuá về nước. Chế Chi, kế vị, muốn phục thù, Anh Tông mang đại quân cùng Trần Quốc Chân và Trần Khánh Dư vào đánh, bắt được Chế Chi đem về Thăng Long, ít lâu sau Chế Chi bị chết ở Gia Lâm, từ đó nước ta và Chiêm Thành có thù.

Năm 1376, quân Chiêm tấn công Hoá Châu (Huế), Trần Duệ Tông (1374-1377) thân chinh cùng Hồ Quý Ly đi đánh, vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga, khuôn mặt kiệt xuất của lịch sử Chiêm Thành sẽ cho ta nhiều bài học và làm ta khốn đốn trong mười ba năm.

Đại quân Duệ Tông và Quý Ly đóng ở cửa Nhật Lệ, tập trận. Đầu năm 1377, tiến xuống cửa Thị Nại, lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang, rồi tiến đánh Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành. Chế Bồng Nga phục quân ở ngoại thành, đoạn phao tin mình đã bỏ thành chạy trốn, Duệ Tông tưởng thật; mặc lời can gián, tiến binh vào thành, quân Chiêm hai bên đổ ra đánh úp. Duệ Tông tử trận. Quân lính gần như bị tiêu diệt. Đỗ Tử Bình giữ hậu quân không tiếp ứng. Hồ Quý Ly bỏ chạy. Đồ Bàn hay Quy Nhơn còn là mồ chôn Trần Duệ Tông.

Giết được Duệ Tông rồi, tháng sau Chế Bổng Nga đem quân ra đánh Thăng Long, thế mạnh không ai cự nổi. Nhà Trần hoàn toàn suy nhược, mỗi lần Chế Bồng Nga ra cướp phá Thăng Long, thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế phải bỏ kinh đô chạy trốn. Quân Chiêm Thành bấy giờ vào nước ta như ra vào chỗ không người.

Năm 1389, Chế Bồng Nga lại tiến đánh Thăng Long, Nghệ Tông sai Trần Khát Chân, vua tôi đều khóc, đem binh ra chống cự ở sông Hải Triều (sông Luộc, Hưng Yên). Một tên hầu của Chế Bồng Nga có tội, sợ bị giết, chỉ cho Khát Chân thuyền Chế Bồng Nga. Khát Chân cho lệnh bắn vào thuyền, Bồng Nga trúng đạn chết. Đó là tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390).

Những năm kế tiếp, Hồ Quý Ly đảo chính lập nhà Hồ, đến năm 1402, Quý Ly mới sai Đỗ Mãn đem quân vào đánh Chiêm Thành, vua Chiêm dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam), Quý Ly đòi thêm đất Cổ Lụy (Quãng Ngãi).

Năm 1403, Quý Ly lại sai Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn đem 20 vạn quân thủy bộ vào vây thành Đồ Bàn, muốn chiếm nốt vùng Bình Định, nhưng quân Chiêm giữ vững không đánh nổi phải rút về.

Nước Việt trải qua cuộc lệ thuộc nhà Minh và cuộc kháng chiến Lê Lợi.

Gần 70 năm sau, năm 1470, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới cử đại binh hơn 20 vạn quân thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thánh Tông dừng quân ở Thuận Hoá tập trận và sai người xuống Bình Định vẽ bản đồ các chỗ hiểm yếu, rồi mới tiến quân chiếm cửa Thị Nại, đánh vào Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn.

Lê Thánh Tông san bằng Đồ Bàn. Thanh thế nước Nam lừng lẫy. Người em Trà Toàn trốn vào núi, cầm cự thêm vài năm nữa.

Đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá (1558), năm 1611, ông lấy thêm đất Phú Yên. Biên giới phiá Nam của nước ta lúc ấy dừng ở đèo Cả.

Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), vị chúa lớn nhất triều Nguyễn, tiếp tục đánh chiếm hết nước Chiêm Thành rồi chiếm xuống Thuỷ Chân Lạp. Đến đời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) ta chiếm xong Thủy Chân Lạp, lập nên 6 tỉnh Nam kỳ.

Cuộc chinh phạt chiếm Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp kéo dài từ Lê Đại Hành đến Nguyễn Phước Khoát, trải tám thế kỷ, nước ta đã mở rộng thêm diện tích từ Quảng Bình đến Hà Tiên.

 

Quy Nhơn, với bề dầy lịch sử của cuộc Nam tiến, đối với tôi là một vinh dự và ân hận. Vinh dự vì tổ tiên ta đã mở rộng đất nước gần gấp ba lần, về phương Nam. Ân hận vì chúng ta đã tiêu diệt dân Chiêm Thành. Vinh dự vì người dân miền Trung đều ít nhiều lai Chiêm Thành, một dân tộc oanh liệt, có nền văn minh lớn lao, để lại những tháp Chàm thiêng liêng, huyền bí.

Miền Trung, đã kết hợp hai tâm hồn Chiêm-Việt, tạo nên những khúc nam ai, nam bình, những điệu hò Huế, đậm nỗi u hoài của một dân tộc đã bị tiêu diệt nhưng lại hồi sinh trong lòng một dân tộc mới.

Miền Trung, nhắc tôi không bao giờ kỳ thị chủng tộc, bởi vì sự lai giống luôn luôn cho ta một sản phẩm mới, kết hợp thể xác và tâm hồn của hai dân tộc.

 Chế Lan Viên làm tập thơ Điêu tàn để nói lên nỗi uất hận của dân Hời, gửi cho báo Phong Hoá, Khái Hưng viết lời giới thiệu nồng nhiệt, nhưng khi biết Chế Lan Viên là Hời giả, Khái Hưng không đếm xỉa đến nữa. Chỉ cần đọc một câu trong bài tựa của Chế Lan Viên là hiểu: "Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu. Kìa kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi". Thơ ông trong Điêu tàn cũng nhạt như vậy (chỉ có Hoài Thanh là khen), thơ có nhiều đầu lâu, sọ, có ma, nhưng không làm ai sợ, cũng không gây rung động gì.

Phạm Duy có bài Nước non ngàn dậm ra đi, kể chuyện Công Chúa Huyền Trân, thật hay, thật lãng mạn.

Nhưng tội ác diệt chủng dân Chàm, người Việt không ai công khai nhìn nhận. Bởi lịch sử Việt Nam mà chúng ta được học là lịch sử anh hùng, mở mang bờ cõi.

Bà Mọi hú của Bình Nguyên Lộc chính là toà án lương tâm đầu tiên của người Việt xây dựng trên văn bản về sự xám hối đã sát hại người Chàm. (Bây giờ người ta gọi là Chăm, Champa, tôi thấy chữ Chàm thơ mộng hơn và chữ Chiêm Thành sang trọng hơn, tôi chưa bao giờ cảm thấy chữ Chàm và chữ Chiêm Thành ngụ ý xấu, mà ngược lại chữ Chăm trong tiếng Việt, nó thế nào ấy, vô nghiã và chẳng đẹp gì hơn).

Trong Bà Mọi hú, Bình Nguyên Lộc mô tả một trái núi bé con đi lạc, xưa nó vốn thuộc dãy Trường Sơn, nhưng dân tộc nó bị dồn mãi, dồn mãi, nó phải ty nạn xuống phiá nam, đến Biên Hoà nó dừng lại, sau này người ta gọi nó là núi bà Mọi. Chữ Mọi thực sự không ăn nhập với câu chuyện nguyên khởi, vì là từ chữ M.O.I (Main d'Œuvre Indochinoise), chỉ mới có từ thời thực dân, với ý khinh bỉ, miệt thị người thợ Đông Dương sang làm việc cho Pháp.

Nguyên khởi là từ khi người Việt chiếm dần đất Chiêm, họ đốt rừng, làm rẫy, dồn người Chiêm vào sâu, lên núi. Mới đầu người Chiêm còn chống lại, sau sức yếu dần, chết hết, chỉ còn lại độc một mình "mụ Mọi già, tóc tai bồm xồm, trông rất ghê sợ" ở lại giữ công tác du kích tuyệt vọng. "Rừng già bị gặm ngày một, chậm mà chắc chắn, mãi cho đến ngày kia thì vòng vây đã siết chặt quanh hòn núi như ở nhà quê người ta cạo trọc đầu con trẻ, chừa lại chiếc bánh bèo". Nhưng rồi một ngày kia, bọn di dân chiếm đất bỗng thấy sáu con suối phát xuất từ đỉnh núi, chẩy xuống miền khẩn hoang dần dần bớt nước, rồi cạn hẳn. Thủ phạm là mụ Mọi già. Mụ đút nút nguồn của sáu ngọn suối bằng thịt cây gồ, một thứ gỗ khi thấm nước, nó cứ nở mãi, nở mãi... Không bắt được mụ, bọn di dân bèn đốt rừng, đốt mụ.

"Lửa leo núi được vài giờ thì người ta nghe tiếng hú dài ghê rợn trên đỉnh núi nổi lên.

Tiếng hú như kêu gọi một cách tuyệt vọng đồng bào sơn dã của mụ đến giải thoát mụ ... tiếng kêu của mụ mất hút trong không khí, không có lấy một tiếng vang nào vẳng lại.

Tiếng hú vang rền từng hồi, hấp hối, rồi lại nấc lên và rốt cuộc chết lần, tắt hẳn, trong ngọn lửa cao ngất trời đã bò lên tới đỉnh".

Tác phẩm của Bình Nguyên Lộc gây ấn tượng kinh hồn trong lòng người đọc về tội ác của tổ tiên mình.

Đến bài Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên, là một tác phẩm độc đáo khác. Xuân Tiên ông không đổi tên thành Chế, nhưng ông đã làm một bản nhạc tuyệt vời tưởng niệm dân Chàm:

 Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù,

Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù

Vạc kêu sương buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường

Đàn đóm vương, như bóng ai trong lúc đêm trường về

 

Rừng trầm cô tịch đèo cao thác sâu hoang vắng cheo leo

ngàn muôn tiếng âm, tháng năm buồn ngâm

âm thầm hoạ bài hận vong quốc ca

 

Người xưa đâu mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu

Lầu các đâu nay thấy chăng rừng xanh xanh một mầu

Đồ Bàn miền Trung đường về đây máu như loang thắm

chưa phai dấu xương trắng sâu vùi khí hờn căm... khó tan

 

Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng

xa xa tắp

mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga

vượt khơi...

về kinh đô, ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù

triền sóng xô, muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ

Tiệc liên hoan, nhạc tấu vang lên khí thiêng Đồ Bàn

dạ yến ban...

 

Người xưa đâu, mộ đắp cao nay đã sâu thành hào

Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một mầu?

 

Bình Nguyên Lộc gọi người Việt là quân xâm lăng, Xuân Tiên gọi người Việt là quân giặc thù, đúng quá và đáng quá. Niềm ăn năn bất tận của một dân tộc có tội ác được nói lên công khai qua nghệ thuật. Nhạc của Xuân Tiên toát ra khí thiêng, đượm hồn sông núi, não nùng quyến rũ như những điệu múa Chiêm nữ trên đỉnh tháp chàm. Mỗi khi một ca sĩ hát lên, dù là người Chiêm chính hiệu như Chế Linh, hay Lão Nông, gốc Cần Thơ, hay người Việt Duy Khánh, gốc Quảng Trị, hoặc Trường Vũ gốc Triều Châu... ta nghe đều giật mình, rung động, nổi da gà. Một cảm tình không thể diễn tả được: ta vừa tự hào là kẻ chinh phục, vừa xám hối là kẻ giết người, giống như tình trạng người dân châu Mỹ La tinh, thù ghét tổ tiên mình, những tên Bồ, tên Y đã chinh phục cưỡng chiếm mẹ da đỏ để làm nên dân tộc họ. Tổ tiên ta cũng đã cưỡng chiếm Chiêm Thành để làm nên miền Trung, xương sống nước Việt.

Và ta, cùng với niềm hối hận khôn nguôi là một niềm vinh dự vô bờ, bởi sự kết hợp hai dân tộc anh hùng trong một.

Khi miền Nam thua trận năm 1975, nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi, không ít người kêu than "mất nước". Kêu như thế là chưa hiểu gì về đất nước: đất nước ta là một tập hợp sông núi, con người, văn hoá và lịch sử ngàn năm, nó có cái vinh quang cũng có cái ô nhục, bởi nó là tổ tiên ta, ta phải gánh tất cả, bởi nó đã ở trong ta, trong dòng máu.

Sinh con, ta tưởng nó là của ta, nhưng không, con ta là của nó. Duy chỉ có đứng trên đất nước, chỗ nào, ta cũng cảm thấy đó là của mình, đất nước là cái sở hữu duy nhất mà con người có được. Đi du lịch, biết bao nhiêu cảnh đẹp thế gian bầy ra trước mắt, nhưng cảnh đó không phải của ta, nó là của người Tầu, của người Pháp, của người Nhật... chỉ có nước Việt là của ta, của mình, miên viễn là của mình, xuyên qua các thể chế, thắng bại, được thua...

Vì thế, nước không bao giờ mất, chỉ thay đổi chế độ. Nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn không phải là chủ đất nước, họ là những người cai trị đất nước trong một thời đại. Nhìn như thế, ta sẽ thấy lòng an nhiên tự tại, một niềm hãnh diện mở ra tới vô cùng, bóp chết những thương đau, thù hận.

Paris tháng 6/2019

Thụy Khuê

 (Còn tiếp)

I. Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên
II. Côn Đảo
III.
Nha Trang
IV. Phú Yên
V. Quy Nhơn

VI. Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An
VII. Trận Đà Nẵng 1847 và 1858
VIII. Huế
IX. Trên đường ra Bắc

X. Về quê Bắc

 

© 2019 Thụy Khuê