Thụy Khuê

 

Quê hương ngày trở lại

I. Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên
II. Côn Đảo
III.
Nha Trang
IV. Phú Yên
V. Quy Nhơn

VI. Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An
VII. Trận Đà Nẵng 1847 và 1858
VIII. Huế
IX. Trên đường ra Bắc

X. Về quê Bắc
 

X. Về quê Bắc

 

Tôi là người Bắc thì miền Bắc nht định là quê hương tôi rồi, nhưng tại sao, ngoài tên làng Hành Thiện nơi mẹ tôi sinh ra và làng Doanh Châu quê thầy tôi, là hai cái tên tôi thân lắm, như có thể mày tao với chúng được, tôi còn chơi thân cả với nhiều tên khác, như Gia Bình, Bất Bạt, Bạch Hạc, Tiêu Sơn, Long Giáng, Châu Mộc, Vụ Bản... chúng cũng làm tôi "rung động" không phải rung động kiểu tuyết thuyết diễm tình, mà khi nghe những tên này, tôi cảm thấy như ai gọi tên mình, một tý tên mình thôi, không phải tất cả, vì nào có phải tên mình. Tôi tìm hiểu mãi vụ này mà không ra manh mối. Chỉ biết đích xác rằng tôi ở Pháp đã hơn nửa thế kỷ, mà ai gọi tên Lyon, Marseille, ngay cả Versailles huy hoàng như thế, tôi cũng tỉnh bơ như không dính dáng gì đến mình. Nhưng chưa về đến Phú Thọ, tôi đã nghe bụng dạ báo động: sắp tới Đoan Hùng rồi đấy! Hơn hai mươi năm trước, khi cả nước còn luỹ tre xanh, xe còn đi đường quốc lộ, thường ghé Đoan Hùng. Bây giờ nước đã thành thị hoá, xe đi xa lộ cao tốc, tôi mất cả tre xanh, mất cả Đoan Hùng, mất cả đồi chè Phú Thọ vì chè đã dọn sang Thái Nguyên, nhưng tim tôi vẫn nhớ những địa chỉ cũ, dù có nơi tôi chưa đến bao giờ, bởi chúng là địa chỉ của những Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Cầm, Quang Dũng... truyền lại cho tôi. Như Đoan Hùng là nơi Mai Hương và Lê Phong đặt phòng thám tử, hồi nhỏ đọc sách trinh thám Thế Lữ thích lắm, bây giờ đọc lại thấy hết hay, nhưng vẫn cứ nhớ. Như Long Giáng của Khái Hưng trong tưởng tượng. Như Vụ Bản nơi giam cầm Gia Trí, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Như Châu Mộc, nơi đoàn quân không mọc tóc của Quang Dũng đã đi qua... những điạ chỉ ấy nó dính vào mình, nó nhỏ vào tim những vệt son một lần, là không tẩy đi được.

Vì cần chụp một số ảnh các điạ chỉ toà soạn Phong Hoá và Ngày Nay thủa trước nên tôi nhờ anh bạn thân thổ công Hà Nội dẫn đi. Hôm ấy Thiệp chở tôi đi nhiều nơi nhưng có một nơi, bất ngờ để lại cho tôi ấn tượng mạnh và xúc động nhất, khi anh dẫn tôi đến nhà hát Tiếng Chuông vàng thủ đô. Cô Kim Chung, cô Bích Hợp... hồi đó tôi được theo thầy tôi đi coi hát mỗi lần có tuồng mới ở Hà Nội, rồi Sài Gòn. Tôi nhớ cô Kim Chung oai phong trên sân khấu trong vai Lữ Bố, lẫm liệt hơn cả các kép Huỳnh Thái, Ngọc Toàn. Cô đội mũ có hai tai vểnh cắm con rắn giấy vươn cao tung quẫy theo bước chân đi. Cô đi dáng lượn như rồng uốn, cô hát giọng tiếng chuông vàng, cô cười một bên má lúm đồng tiền, miệng tươi như hoa nở. Mắt cô to và sáng, khi cười nhắm tít lại rất lẳng, tôi ước mình lớn thật nhanh làm đàn ông ôm cô thoả thích. Cô Bích Hợp trái ngược với cô Kim Chung, dáng liễu yếu đào tơ, nhìn cô là tôi nhận ngay ra Kiều, mặc dù tôi chưa gặp cô Kiều bao giờ. Tôi yêu cô Bích Hợp vì cô ngâm thơ hay tuyệt, cô có bí quyết ngâm câu lục bát đến đúng chỗ đó là cô ợ lên một tiếng như tiếng nấc, ôi chao đứt ruột, đứa con nít là tôi còn thấy buồn rớt nước mắt huống chi người lớn. Tôi mê tiếng ợ của cô Bích Hợp cũng như mê tiếng chuông cô Kim Chung. Sau này tôi có một con bạn, tên nó là Lệ Hường, khi ngâm thơ cho Tổng hội sinh viên Paris nó cũng biết ợ như cô Bích Hợp, tôi phục lăn, lấy làm lạ lắm, mới hỏi ai dạy, thì té ra chính cô dạy nó, bởi nó cũng mê coi cải lương như tôi nhưng mẹ nó quen cô, nên cô dạy nó ợ.

 

 

Rạp hát Chuông Vàng

Chúng tôi ở ngõ Hà Hồi. Ngõ này đầy hàng quà, sáng nào chúng tôi cũng đi dạo một vòng thôi thì đủ những thứ quà ngày trước Vũ Bằng treo trong miếng ngon Hà Nội để dứ bọn di cư nhớ nhà đọc thèm nhỏ rãi. Bây giờ cái ngõ Hà Hồi zic-zắc như chân bạch tuộc này không thiếu thứ gì, mỗi ngày một món, ăn cả tháng mới phải quay lại quà cũ. Nhưng cái khoái là bây giờ bạn ăn gì thì ăn, lê la thế nào, ăn rau sống, ngồi sà xuống đất hay ngồi bàn sang trọng bạn cũng không bị đau bụng nữa. Cái vụ đau bụng nó đeo theo từ hồi tôi về Sài Gòn lần đầu năm 1974 và sau đó lần nào cũng bị ít nhất một lần tào tháo đuổi, hỏi bác sĩ, trước bẩy lăm, họ bảo tại không quen "thuỷ thổ" nữa, sau bẩy lăm họ bảo "tại cộng sản". Lần này trước khi về, tôi cũng được dặn kỹ: chớ có ăn đường ăn chợ, chớ ăn rau sống... Bà con bên Mỹ dặn thêm nhớ mang theo đồ hộp (người Việt bên Mỹ thường thích làm giống lính Mỹ sang nước mình đem theo va-li đồ hộp vì sợ ngộ độc). Đã được dặn dò kỹ thế, nhưng tôi vẫn không thể nhịn được những con cua đang bò, con tôm còn nhảy, luộc ngay trên bãi biển, con cá còn quẫy vớt lên rán dòn và những thứ nộm đủ loại rau sống xanh đỏ vô cùng hấp dẫn... nên chỉ vài hôm sau là tôi phá giới, và trong suốt dọc cuộc ta bà hai tháng trên "khắp nẻo đường đất nước" tôi ăn thả cửa tất cả những thứ mà Vũ Bằng chưa hề biết, chưa hề ngờ, vì tào tháo đã bị quan công đuổi bắt, đã khóc rống lên, đã giơ tay mỗ hàng, mỗ chịu.

 

Từ ngõ Hà Hồi ra bờ hồ rất gần nên chiều nào rảnh chúng tôi cũng đi bờ hồ. Bờ hồ vẫn đẹp thần tiên. Sang đông còn sót lại vài bông phượng đỏ trên cành rủ xuống mặt hồ như món quà đặc biệt dành cho người về. Cuối tuần, đường quanh hồ dành riêng cho người đi bộ, và cuối năm có những dàn nhạc sống, ca hát đủ loại, cho khách bộ hành nghe không tốn tiền. Đêm ấy, tôi mê nhất dàn quan họ Bắc Ninh, có một anh kép đóng vai ông Hoàng Mười tuyệt vời. Ông Hoàng Mười vốn gốc Nghệ An, con vua và liên hệ đến thánh Mẫu. Người diễn viên này có giọng nam đã nữ hoá, làm tôi nhớ lại truyện ngắn Sarrasine, Balzac cũng mô tả một anh chàng như vậy: Zambinella là con trai nhưng chịu thiến để có giọng nữ (hiện tượng thường thấy trong Opéra ở Âu châu những thế kỷ trước) nhưng trên thực tế tôi chưa hề được nghe giọng tuyệt vời ấy bao giờ vì sự thiến đã bị cấm. Đêm ấy, ở Hà Nội, tôi được nghe giọng Zambinella Việt, trong vai ông Hoàng Mười. Tôi không biết tên anh, nhưng anh có một giọng lạ lùng, độc nhất vô nhị. Sau màn ca trù bất hủ, anh bắt sang chầu văn, vừa múa vừa hát như một đồng cô chính hiệu. Từ hôm đó, tối tối tôi tìm xem chỗ nào ở Hà Nội có chương trình ca trù, đến nghe, nghe nổi da gà, bởi vì trong đó có thầy tôi, hồi còn sống, người thường đi hát cô đầu. Hồi nhỏ tôi không bao giờ để ý đến ca trù, bởi thấy cái giọng ê a bất tận, nghe buồn ngủ. Từ khi đọc Chùa đàn của Nguyễn Tuân, tôi mới bắt đầu nghe, nhưng tôi thật sự yêu ca trù từ khi "quen" với vợ chồng kép Tư Chản-Đào Khuê trong Mộ Phách của Phùng Cung; cả đời gắn bó với cây đàn đáy và cỗ phách, tưởng con mình sẽ nối tiếp nghề tổ. Cách mạng vùng lên, ca trù bị kết án "đồi trụy" rồi bị cấm. Tư Chản để đàn đáy lên bàn thờ chỗ khuất. Một lần, đêm khuya, hai vợ chồng đóng kín cửa, vụng trộm đàn hát với nhau. Nhưng đứa con trai của họ đi bộ đội cầm súng thay đàn. Một ngày nó trở về đánh đàn nay đã trở thành địch, nó lôi cây đàn trên bàn thờ xuống dẵm nát, ném vào đống lửa. Tư Chản không sống sót sau đàn. Đào Khuê liệm cỗ phách trong miếng lụa và chôn phách trong ngôi mộ bên cạnh bờ ao. Mộ Phách, từ Phùng Cung, đã làm tôi hiểu từng nhịp thở, từng chữ, từng hơi ngân trong Tỳ bà hành, và hiểu được thầy tôi, thì người đã mất lâu rồi. Hôm đó, diễn viên Zambinella Việt bên bờ hồ đã hồi sinh cho tôi cả một thời xưa cũ. Sau đó tôi lên Sơn Tây lễ đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thăm làng Đường Lâm, tôi đã thấy đất tổ của chúng ta và ông tổ của Phùng Cung, con người đa tài, khẳng khái, có số phận nghiệt ngã nhất trong Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng đêm nay, tôi thấy trai gái Hà Nội dắt nhau đi chơi, họ ngồi đầy trong những quán cà phê dọc theo những con phố bên bờ hồ, họ vui cười, trò chuyện trong không khí thanh bình không tiếng súng, không đại lộ kinh hoàng.

 

 

Đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng

 

Xung quanh Hà Nội, vùng Sơn Tây, Bắc Ninh di tích lịch sử nhiều không kể hết, bạn có thể dành đến ba tháng mới đi hết các chùa, đền, lăng, mộ, vì đây là vùng đất cổ nhất của nước ta. Tôi chỉ nói sơ về Bắc Ninh. Bắc Ninh có nhiều chùa đẹp lắm. Hôm ấy chúng tôi đi chùa Tiêu Sơn. Chùa Tiêu Sơn nằm trên ngọn núi nhỏ thuộc phủ Từ Sơn, có dòng Tiêu Tương chảy phía trước chân núi. Bà mẹ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ, 1010-1028), người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tương truyền, đi chơi chùa Tiêu Sơn nằm mộng thấy thần nhân, sinh ra ông. Ba tuổi được mẹ gửi vào chùa Cổ Pháp cho sư Lý Khánh Văn nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Nhưng chùa Tiêu Sơn lại còn thêm một dấu tích quan trọng khác: năm 2014, chính quyền điạ phương khai quật được pho tượng táng, gần 300 năm trước, và xác định đó là nhục thân của Hoà thượng Như Trí, viên tịch năm 1723, vẫn còn giữ nguyên hình thể.

Thượng tọa Như Trí lại là người đã cho khắc in Thiền Uyển Tập Anh, bộ sách về Phật học nổi tiếng, được xem là lâu đời nhất của chúng ta.

Nhưng điều đáng tiếc nhất ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác trên đất Bắc, là sự "trùng tu" đã làm mất dấu tích ba trăm năm, vì đã mặc lên người hoà thượng Như Trí chiếc áo cà sa vàng và tạc cho hoà thượng một bộ mặt mạ vàng mới toanh, không biết căn cứ vào đâu, thay vì để nguyên hình hài nhục thể cũ, hoặc làm một bản sao nếu bản chính phải đưa bảo tàng lưu giữ.

 

 

Mộ tháp chùa Tiêu Sơn

Nhục thân Hoà thượng Như Trí

 

Nhiều chùa cổ ở miền Bắc cũng bị trùng tu như vậy, nghiã là sơn lại, thay cột kèo, làm nóc mới, xây thêm nhiều gian mới, tiêu biểu là chùa Trấn Quốc và Tháp Rùa Hà Nội. Khi tôi về năm 1984, Tháp Rùa còn nguyên vẹn rêu phong. Năm 1993, Tháp Rùa đã được trùng tu, trát lên lớp vôi vữa trắng hếu. Tôi nhìn muốn xỉu. Năm 1984, chùa Trấn Quốc còn là ngôi chùa thời Lý, mộc mạc hương thiền, với những cột gỗ gụ lâu đời, có trọng lượng của thời gian, có chiều sâu của vĩnh cửu. Năm 1997 chùa Trấn Quốc đã đổi khác, được sơn lại mầu mè, và đến ngày nay thì đã trở thành một "công ty du lịch chùa" giầu có, với các gian mới xây khin khít nhau, giống như khu Quốc Tử Giám. Bị nạn trùng tu như vậy mà Hà Nội vẫn đẹp, thì phải hiểu.

 

Hoàng thành Thăng Long

Một góc Hoàng thành Thăng Long

Thành Thăng Long do Nguyễn Văn Thành sửa sang năm 1804, vua Minh Mạng xây lại năm 1835. Nay trên bảng hướng dẫn, người ta vẽ bản đồ thành có răng cưa (theo kiến trúc Vauban) và guide giảng cho du khách là do Pháp xây theo kiểu Vauban. Huế và Sơn Tây cũng bị vẽ hình răng cưa như vậy, nhưng tôi không kể, còn Hà Nội khó có thể bỏ qua: Pháp nào đến đây sau 1835, để xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban? Nghĩ đến Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, tim tôi ứa máu.

 

Thành Sơn Tây

Một cửa thành Sơn Tây

 

Chùa Tiêu Sơn còn có một lịch sử thứ ba mà người dân miền Bắc phần đông không biết, đó địa chỉ thần tiên trong tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ vì Khái Hưng không còn được đọc sau cách mạng tháng tám. Khái Hưng mà tả cái gì, khi mình đến nơi là "nhận ra" ngay, dù tám mươi năm sau. Khái Hưng đã tạo ra không khí thần bí Tiêu Sơn, mô tả nhũng ngõ ngách trong chùa, những chỗ họp kín, những hầm bí mật có lối thoát ra những chùa khác trong vùng đồi núi Từ Sơn. Bóng Quang Ngọc, Nhị Nương ẩn hiện, xuất quỷ nhập thần, qua lời thơ truyệt vời của Phạm Thái và tình yêu diễm lệ của Trương Quỳnh Như. Đó cũng là không khí Kinh Bắc khi Hoàng Cầm về cáo tổ tiên ác mộng Nhân Văn Giai Phẩm. Chừng như người con gái Bắc Ninh nào cũng thấm nhuần lịch sử, thi ca của vùng Luy Lâu đất tổ, nên ai cũng biết hát quan họ. Bạn ra khỏi chùa, vào quán nước chè bên, là có thể được cô chủ quán thưởng cho một điệu quan họ, một khúc hát xẩm, thượng thừa.

 

Hôm đó trên đường về, chúng tôi dừng chân ở một siêu thị lớn bên đường quốc lộ vùng Kinh Bắc bán kim hoàn, mênh mông lấp lánh toàn kim cương, ngọc thạch. Mấy cô bàn hàng trẻ, xinh, chào khách. Thấy tôi có vẻ hơi ngại sự săn đón quá mức nồng nhiệt này, một em ghé tai tôi nói nhỏ: cô cứ tha hồ xem đi, mặc kệ, chúng cháu phải làm nhiệm vụ không bị chủ mắng, cô mua gì thì mua, không mua không sao đâu. Lời em làm tôi nhớ đến một người bán hàng son ở Nhật, đã chỉ cho tôi chỗ áo dệt có lỗi, trước khi bán. Hoá ra sự lương thiện lúc nào và ở đâu cũng có, không chỉ dân Nhật mà dân tôi cũng thế. Dân tôi cũng tử tế muôn phần như những dân tộc tử tế nhất. Được mấy cô bán hàng bám sát cũng vui, tôi nghe họ xì xào: đúng giọng Hà Lội mày ạ. Vùng Bắc Ninh nói ngọng rất nhiều. Lạ là các bà, cô khi nói thì ngọng nhưng khi cất tiếng hát là mê hồn ngay. Tôi người Bắc, nên "tự nhiên" mê tất cả các giọng hát chèo ngoài Bắc, mặc dù khi rời đất Bắc tôi mới lên mười, mà không hiểu tại sao mình mê như thế. Sau này tôi đọc Bachelard, ông ấy giải thích là tất cả những gì mình thu thập được từ hồi thơ ấu sẽ trở thành vốn cho cuộc đời, nhất là cho những người dính líu đến chữ nghiã, nghệ thuật. Bây giờ, đứng trước những thiếu nữ Bắc Ninh, nói giọng en lờ, en nờ, tôi yêu vô cùng. Tôi kể với họ: Ờ, quê cô ở Nam Định, vùng ấy mọi người cũng nói cũng ngọng lắm, nhưng khi đi học cô giáo bắt phải nói đúng nên quen đi đấy. Một em dưng dưng nước mắt: cháu cũng muốn sửa lắm cô ơi, nhưng không sửa được, vì khi nghe cháu không phân biệt được lờ với nờ, khi viết thì cháu viết đúng. Tội thật. Tôi chắc trong thời gian cách mạng vô sản cầm quyền, không ai dám sửa cách phát âm của người dân quê vùng Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình... vì thế mà nạn nói ngọng đã tràn lan, nạn phát âm sai dấu cũng lan tràn. Lại thêm người Hà Nội phải tản cư ra ngoại thành và người Thanh, Nghệ về thủ đô như thời tam phủ, nên tiếng Hà Nội bị loại đi, bị coi thường, bị xuống cấp, thậm chí khinh bỉ vì là thứ tiếng tiểu tư sản, có tội. Tiếng Hà Nội bị pha tạp với các thứ tiếng quê mùa khác, phát âm không còn đúng dấu, tiếng Hà Nội bây giờ lơ lớ, như đã "mất giống". Cần phải gây lại. Bởi vì giọng Hà Nội đã là một thứ "di sản văn hoá" rồi, nếu để mai một, cũng sẽ thật đáng buồn như ca trù một thời đã vậy.

 

Tôi có người bạn văn rất thân, Kh. tuy chẳng mấy khi gặp nhau, tôi thân là thân với văn anh. Đọc thú lắm: Kh. viết trúng phóc như đi guốc vào bụng tôi. Tỷ như Kh. kể chuyện bà bác lấy khăn Hermès (cũ) may thành bao bố ủ chân những đêm đông trường giá buốt ở Paris. Hermès là thứ khăn xoa thượng hạng của Tây, chỉ những đỉnh cao sang trọng mới có tiền mua về đội đầu, mà nay bà bác nhà ta lấy lót chân thì phỏng chẳng sướng sao? Cho bõ những lúc tổ tiên bị quân Tây dương dày xéo, đấy là cái sướng rất tiểu nhân của tôi, chưa chắc tác giả đã có ý ấy, nhưng kệ chứ, đọc sách mình có hoàn toàn tự do cảm hứng theo ý mình.

Lại tỷ như Kh. kể chuyện Anahita, ghi rõ trên danh thiếp:"Anahita Babayan, người Armenia ba triệu bị Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát năm 1915 ngày 24 tháng tư đen". Nàng còn cho biết: Người Armenia khi nào nhắc đến xứ sở và giống nòi thường chỉ ngửa mặt lên trời mà khóc một tiếng:"Tháng tư ơi bao nhiêu triệu người bị giết hại, ngày dài nhất của dân tộc tôi". Tôi nghi Kh. nói kháy một dân tộc khác, cũng cứ đến tháng tư thì bên nọ kỷ niệm quốc hận, bên kia ăn mừng giải phóng, chẳng qua cũng chỉ là ăn giỗ và ăn sinh nhật hai chữ hận thù. Bao giờ bỏ được cái hủ tục ấy thì dân tộc mới khấm khớ lên được. 

Lại tỷ như Kh. kể chuyện anh chàng Gaston Ahmad Nhi, họ Nguyễn Văn. Gaston có mẹ Việt, bố lính lê dương Bắc Phi. Mà người da đen Bắc Phi ở Pháp bị làm những việc nặng nề nhất, tồi tệ nhất, ít lương nhất, bị người Pháp khinh rẻ nhất, cho nên người Việt mình (cũng theo Pháp) ghét lây, bởi mình có tới bốn ngàn năm văn hiến cơ mà. Nghiã là ta thấy ta gần Tây nhất, giống Tây nhất, cho nên ta cũng khinh bọn da đen, bọn Ả Rập như Tây: Ả Rập ta gọi nó là Rệp. Gaston dù bị khinh bỉ, bị phỉ nhổ, ba chìm bẩy nổi, cũng chỉ biết, chỉ nhận và chỉ tự hào mình là người Việt Nam, đứa nào vô phúc bảo nó là việt cộng nó đánh bể mặt. Con gái út tôi lúc nhỏ đi học cũng bị trẻ con kỳ thị, chế giễu: chinetoque, chinetoque giống như ta nói: tầu phù! tầu phù! nó khóc ròng. Sau nó lấy chồng Tây, lúc cháu tôi sinh ra, tôi bèn dạy cháu một câu phòng thân. Khi tôi đưa các cháu sang Úc thăm gia đình, vừa xuống phi trường, chị tôi thấy hai thằng cháu kháu quá, ôm chầm hôn hít, hỏi nó con ai tên gì, nó phun ra ngay: tây lai ăn khoai cả vỏ... chị tôi suýt lăn đùng.

 

Hôm đó tôi về quê ngoại, làng Hành Thiện, làng con cá, có tiếng nhiều người đỗ đạt, dân làng tự hào lắm. Ngoài chuyện đỗ đạt, làng tôi cũng lắm danh nhân, có hai người làm vinh hạnh cho làng là ông Đặng Xuân Khu và ông Vũ Khiêu. Hồi mẹ tôi còn sống, tôi hỏi mẹ ông Khu có họ với mình không, mẹ tôi bảo cùng họ Đặng thôi chứ không phải Đặng Vũ. Tôi mừng quá, bởi vì trong cái sáng tác tuyệt vời làm nên tên tuổi của ông là bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, năm 1943, ông đã cho những thứ Khổng, Phật, Sô-cờ-rát, Pờ-la-tông, Kăng, Nít... đi đời nhà ma cả, chỉ có cụ Mác, (mà cũng chẳng phải cụ Mác, nếu được cụ Mác đã khá), cụ Xít thì đúng hơn, được độc quyền tư tưởng trên giải đất Việt Nam này. Từ đó đến nay dân tộc tôi đã không ngừng vùng vẫy để thoát khỏi cái lưới ông giăng nhốt tư tưởng. Tượng ông lừng lững trước cổng tỉnh, nhưng tôi đoán có tay nào chơi khăm, bởi nó lại không đẹp mấy, nó cũng thô, cũng bạo, hệt như đề cương văn hoá của ông vậy.

Nhân vật kiệt xuất thứ nhì là ông Vũ Khiêu. Ông vốn tên họ đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu. Ngày trước, anh ruột mẹ tôi là bác sĩ Đặng Vũ Lạc giúp đỡ Quốc Dân Đảng, cho hội họp và in báo Thống Nhất của đảng trong bệnh viện của ông gần Ga Hàng Cỏ. Sau vụ Ôn Như Hầu 1946, bác tôi đứng ra cầm đầu và gây dựng lại Đại Việt Quốc Dân Đảng, ông mất năm 1948, nhưng bà con Hành Thiện, người nào sợ hậu họa đều tránh gia đình tôi. Ông Đặng Vũ Khiêu, tuy họ xa, cũng chặt phắt chữ Đặng tội lỗi đi, trở thành Vũ Khiêu mất đầu mà sạch tội. Ông đầu đơn đổi đảng, làm tới chức nhà giáo nhân dân, quốc sư, nhà văn hoá kiệt xuất,... Từ khi họ Đặng Vũ được "phục hồi" thì những người đã chặt đầu họ, đổi họ, lại quay về nhận họ nhận hàng, tế lễ, rôm rả... May mẹ tôi mất lâu rồi, chứ mẹ tôi thấy cảnh này, chắc người sẽ buồn, buồn lắm.

 

Nghỉ ở Hà Nội với bà con họ hàng, bạn văn, rồi chúng tôi tiếp tục hành trình trên cực Bắc. Chuyến đi bắt đầu từ Hà Nội lên Lào Cai rồi về Sapa, thăm Bãi đá cổ, bản Lao Chải, bản Tả Văn trong thung lũng Mường hoa. Ngủ đêm tại Sapa, hôm sau đi thăm bản Cát Cát cực kỳ thơ mộng. Rồi tôi phải trở lại Lào Cai, vì đã có một cái hẹn ở Hồ Kiều, chiếc cầu bắc ngang sông Nậm Thi, gần ngã ba Sông Hồng, nối liền Lào Cai-Hà Khẩu: bên này đất Việt, bên kia đất Tầu. Bởi Hồ Kiều, 71 năm trước Nguyễn Tường Bách đã đi qua và đã viết: "Thế rồi một buổi sáng tháng 7/1946, tôi cùng với toán anh em bẩy người xuống đầu cầu sang Hà Khẩu. Đứng ở đầu cầu, nhìn lại giang sơn, núi rừng, phố xá, sông Hồng và sông Nậm Khê, dãy núi Fansipan ở xa xa. Đất nước ta rộng mênh mông như thế nhưng tại sao không một chỗ dung thân?" (Việt Nam những ngày lịch sử, trang 111). Câu này đã ám ảnh tôi lâu dài: Người em út Nhất Linh hôm ấy dẫn bẩy Quốc dân đảng còn sống (sót) sang Tầu. Hồ Kiều, cây cầu lịch sử bắc ngang sông Nậm Thi (hay Nậm Khê) đã bao lần chở kháng chiến quân Việt quốc trở về đất Việt, nay thất bại, họ phải triệt thoái sang Trung Hoa. Thương đau. Buồn bã. Không còn chỗ dung thân. Những người yêu nước ấy.

 

 

Hồ Kiều

 

 

Biên giới Lào Cai - Hà Khẩu

 

Từ Lào Cai, chúng tôi đi Hà Giang để đến phần địa đầu cao nhất đất Bắc: Đồng Văn hiểm trở, kỳ thú: Quản Bạ - Mèo Vạc - Mã Pi Lèng. Biên khu hùng vĩ và thơ mộng đã trở thành bức tranh muôn thủa trong tim tôi từ ấu thời, từ khi các anh bộ đội về làng dạy tôi hát nhạc Phạm Duy:

Biên khu u ù!

Biên khu ù u!

Tia vàng son xuyên qua lau mờ

Về trên suối khói lên làn mơ

Nắng trôi về xuôi biết bao thương nhớ

Biên khu ù u!

Biên khu ù u!

Nghe đồi nương khuyên nhau mong chờ

Người lên chốn đất thiêng rừng xa..

Nhưng biên khu hào hùng còn là sào huyệt của "phỉ". Giọng Hoàng Cầm sang sảng bên tai: Em không biết chứ Phỉ nó tàn ác lắm, đi hành quân mà bị nó bắt thì chỉ có chết, mà không chết tử tế đâu nhá, chết kinh hoàng, chết ghê gớm, chết khủng khiếp lắm, nó trói chân tay, nó chặt ra từng khúc... Giọng anh rùng rợn qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Mỗi lần tôi phỏng vấn, tiếng anh sang sảng, anh luôn luôn nói ra ngoài đề, thao thao bất tuyệt, như đang ở giữa ba quân. Tôi biết Phỉ, từ anh, Hoàng Cầm. Phỉ làm Vệ quốc quân sợ hết hồn: Phỉ chuyển động trong khung cảnh ma quái của những ngọn núi đá đen tai mèo nhọn hoắt, rồi chuyền sang triền những ngọn núi xanh dốc ngược, đổ thẳng xuống vực sâu, ai trèo là mất xác. Tôi chưa từng thấy một thứ phong cảnh nào mà trời, nước, đất, đá, giao nhau trong một chuyển động quỷ quái dữ dằn không ngừng như thế: mây bao bọc những đỉnh núi đá tai mèo đen kịt, nhưng mây không đứng yên một chỗ, thỉnh thoảng lại bay đi, hé mở, bố thí cho ta một mảng trời ngũ sắc tuyệt vời: ánh sáng chiếu xuống sông Nho Quế, chảy ngoằn ngoèo tuốt sâu, trong vực thẩm giữa hai hẻm núi, một dòng ngọc bích, thiên đường. Nhưng mây kia tai ác, đóng lại ngay, không cho ta xem nước nữa, mà mở dần cho ta thấy những đỉnh núi xanh chọc trời, rồi những bản xa của người Mèo (Hmong) lác đác treo trên đỉnh núi, những chiếc nhà sàn cheo leo như sắp rời đỉnh núi đi nơi khác... Ánh sáng bây giờ chiếu vào những thửa ruộng ngoằn ngoèo, bao trùm hết núi này sang núi nọ, như những con giun khổng lồ, thích thú nằm cạnh nhau phơi nắng, thường trực và miên viễn.

 

Chúng tôi kết thúc chuyến đi thượng du bằng cuộc du thuyền trên hồ Ba Bể.

Ba Bể, chưa phải là Hạ Long, nhưng có cái duyên khác hẳn: Ba Bể âm u, huyền bí, rất ít du khách. Đó là món quà hiếm quý mà Ba Bể cho ta: bên bờ chưa có khách sạn năm sao, chưa có resort. Chúng tôi một mình trên thuyền, trong buổi sớm đầy sương. Màn sương mở dần, bên bờ lộ ra những rừng cây nguyên sinh, với những hình thù kỳ quặc giống như ma khoác áo người: trùng trùng điệp điệp hàng trăm loại ma khác nhau, đứng sừng sững bên bờ hồ làm tôi rờn rợn. Giác quan bị động, tưởng tới cảnh Pháp bỏ bom Bắc Kạn năm xưa: đoàn Vệ quốc quân bỏ chạy, rơi hết hành lý, người lính Hoàng Cầm phải ném cả bản thảo kịch thơ Kiều Loan xuống hồ, học giả Nguyễn Văn Tố trúng bom, tử nạn. Ba Bể lưu trữ những linh hồn, linh hồn người và linh hồn chữ dưới đáy hồ, và hôm nay, đứng trước rừng ma trùng điệp, tôi run run, tưởng như hồn Vệ quốc quân còn đang còn ẩn hiện trong rừng cây, vừa bao vây vừa che chở chúng tôi trong vòng trời nước mênh mông, bí mật.

 

Đá tai mèo

Hai em bé bán hoa trên núi đá tai mèo

Sông Nho Quế

Hồ Ba Bể

 

Quê nội tôi ở Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hồi đó, thầy mẹ tôi hay nuôi bộ đội. Đêm đêm các anh ngồi quây quần trong sân đàn ca những bài Phạm Duy, Văn Cao... Tôi thuộc nhạc kháng chiến từ năm bốn tuổi. Nhà tôi ở trong một cái thổ, có luỹ tre bao bọc, hào nước vây quanh, giữa có sân rộng phơi thóc, ba hướng có nhà, một hướng có ao. Một con ngõ nhỏ hai bên là dậu găng chạy thẳng ra cổng. Bản đồ đó tôi vẽ trong óc từ lúc bốn tuổi, tôi cho cái sân rộng như sân triều đình, tôi vẽ vườn nhà tôi đẹp như vườn thượng uyển.

Thầy tôi được các anh bộ đội mật báo cho biết phải rời quê ngay trước khi có lệnh cải cách. Khi tôi bỏ nhà đi xa, ra Hà Nội, rồi vào Nam, cái thổ đó vẫn sống trong tôi, trong bản địa đồ của riêng tôi, tôi không cho ai xem, cũng không bán cho ai. Tôi hoạch định chỗ này là giàn trầu chị Mỵ trốn việc ngồi lỳ suốt ngày đọc tiểu thuyết, mẹ gọi không thưa. Chỗ kia chị Trâm chỉ bảo người nhà xay thóc, giã gạo. Bờ ao và giàn đỗ ván chị Thuỳ hẹn hò với anh Phượng. Cái cổng anh em tôi trèo lên nóc bắt chim... Bao nhiêu năm qua tôi vẫn nhớ mái tóc bồng bềnh, nét mặt thanh tú của anh Phượng, đôi mắt sáng buồn, tiếng đàn guitare và giọng hùng anh hát nhạc Phạm Duy: Ta nhìn qua Cai Kinh ngang tàng, chờ tiếng gió Bắc Sơn lùa sang, biết say đời cuộc đời trai nước Nam... Làm sao chị Thùy không yêu được. Khi chúng tôi về Hà Nội, anh Phượng vẫn gửi thư cho chị Thùy, anh còn hẹn với chị hai lần, đi chơi bờ hồ, tôi cũng được đi theo, nhưng chỉ vài năm sau, chị tôi đợi mãi, không thấy thư mà anh cũng không về nữa, có người bảo anh đã chết trên Tuyên Quang, có người lại nói Thái Nguyên.

Rồi gia đình tôi di cư. Ba mươi năm sau, chị Thùy tôi cũng chết cùng chồng trên chiếc thuyền vượt biển, các cháu tôi đã đi trước, chị đợi anh Khánh ra cải tạo đi cùng, ấy là năm 1982, một năm nhiều sóng gió trên biển. Chị Thùy tôi không bao giờ trở về trong những giấc mơ của tôi vì tôi đã quyết định từ chối cái chết ấy. Tôi cứ tiếp tục nói chuyện với chị như chị còn sống. Hà Nội đêm nay Noël, chúng tôi đi dạo quanh bờ hồ, người đông như nêm, tôi hỏi chị: anh Phượng hẹn mấy giờ? Chị cốc vào đầu tôi con này chỉ tò mò, mày hay bép xép thầy biết thì khốn. Tôi dọa: Không bảo em biết em không đưa thư cho nữa đâu (vì tôi là trạm thư, cùng ở trong nhà mà anh chị không dám gặp nhau "công khai", thầy tôi nghiêm lắm). Nhưng tôi không chỉ dọa chị có chuyện hẹn hò, tôi doạ đủ kiểu, cứ xin gì không được là tôi dọa: không cho em đi với, em mách mẹ cho, thấy chị tỉnh bơ (tôi chợt nhớ mẹ tôi hiền lắm, chẳng mắng con bao giờ), tôi nện đòn khác: không cho em đi em mách thầy đấy, thế là chị nhượng bộ ngay. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn còn hối hận vì đã bắt nạt chị. Tôi hứa bừa: về đi, em không bao giờ mách nữa, chị vẫn không về. Tôi lại hỏi: lúc đó chết làm sao? Chị cũng không nói gì, tôi hỏi nước sâu lắm hả? Chị cũng im. Tôi lại hỏi: chị rơi xuống nước hay chị bị cướp bắt, chị vẫn nín thinh, tôi cứ lải nhải mãi: về lại đi, về đi, em không mách nữa, em không bao giờ mách nữa... bao nhiêu năm rồi chị vẫn không về.

 

 

*

 

Tôi có ông bác, lúc còn sống ông luôn luôn dơ tay lên trời thề: khi nào còn cộng sản là tao không về. Tôi thầm nghĩ cộng sản là một lý thuyết, một chế độ, nó có đầu mình chân tay gì đâu mà bác thề với nó làm chi mất công, làm sao nó nghe được lời thề lũng nhai của bác, nhưng tôi không dám nói. Năm tháng trôi qua, ông vẫn triệt để giữ vững lời thề... Khi trút hơi thở cuối cùng, ông thều thào hai tiếng Ngõ Trạm, Ngõ Trạm... nơi ông ở Hà Nội ngày xưa. Tôi có bà bác rất giầu, sở hữu chín, mười căn hộ Paris, bà cũng không về nước vì sợ họ hàng con cháu xin tiền, dù sau này nhiều người bảo: bây giờ chẳng ai xin tiền bác nữa đâu, họ còn bao mình đi ăn, đi chơi, là khác, nhưng bà không tin, bà vẫn sợ, rồi bà mất đi, cũng không mang theo được cái nhà nào cả. Trần Diệu Hằng có truyện ngắn rất hay: Chuyến xe về làng Đại Từ, kể chuyện một bà cụ di tản theo con cháu sang Mỹ, rồi bà bị Alzheimer, ngày ngày bà ra cửa gọi xích lô về làng Đại Từ... cho đến khi nhắm mắt.

 

Quê hương tôi, cuối cùng, là tất cả những vui buồn còn đọng lại, là tiếng cười chị Thùy tôi dưới giàn đậu ván, bên bờ ao, là tiếng hát Bắc Ninh quan họ, là giọng ngâm sa mạc cô Bích Hợp, là dẫy núi tai mèo đầy thổ phỉ, là tiếng hồ Ba Bể thì thầm trong rừng ma, là giọng nói ngọng e lờ, e nờ... tôi đã về lại "làng Đại Từ" của tôi trước khi trí nhớ xa dần, xa dần..., không còn tìm được lối về đâu nữa.

  

Thụy Khuê
Paris 23/4/2019
Les Issambres, Yên Cơ, 16/7/2019

 I. Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên
II. Côn Đảo
III.
Nha Trang
IV. Phú Yên
V. Quy Nhơn

VI. Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An
VII. Trận Đà Nẵng 1847 và 1858
VIII. Huế
IX. Trên đường ra Bắc

X. Về quê Bắc
 


 

© 2019 Thụy Khuê - http//thuykhue.free.fr